Hơn 800 trang trại hoa hồng ở Taif luôn hoạt động hết công suất, từng bước hoàn thiện các công nghệ nuôi trồng, thu hoạch, chưng cất, để tạo nên thương hiệu độc đáo như một vẻ đẹp huyền bí của vùng sa mạc nơi đây.
Từ sáng sớm khi bình minh chưa ló rạng cho đến khi hoàng hôn phủ khắp vùng sa mạc rộng lớn Taif, ngày qua ngày, ông Khalaf Allah al-Talhi và những người nông dân nơi đây đều tất bật trên những thảm hoa hồng. Chăm sóc, vun trồng, cắt tỉa và thu hoạch - tất cả đều bằng tay, để từ đó chưng cất thành một thứ dầu thơm độc đáo không đâu có.
“Dầu thơm của hoa hồng Taif được làm từ loại hoa hồng không có ở bất cứ đâu trên thế giới. Tôi đã từng đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Ma-rốc, cũng có một vài loại hoa hồng trông có vẻ giống, thế nhưng, hương thơm của chúng lại hoàn toàn khác biệt”, ông al-Talhi chia sẻ.
Sau nhiều thập kỷ gắn bó với những thung lũng hoa hồng, ông al-Talhi – 80 tuổi đã hoàn thiện các kỹ thuật cầu kỳ để có thể lưu giữ hương thơm của hoa hồng sa mạc. Những cánh hoa được ngâm và đun sôi trong nhiều giờ trong các thùng lớn, sau đó được chiết xuất qua một quá trình phức tạp để thu hơi nước và chưng cất thành tinh dầu thơm. Từ lâu, tinh dầu và nước hoa hồng Taif đã được sử dụng trong một số nghi lễ tại Nhà thờ Hồi giáo ở Mecca, rất được người hành hương ưa chuộng.
Khi khí hậu ôn hòa của mùa xuân đến, hoa hồng nở rộ phủ kín vùng sa mạc rộng lớn, nhấp nhô với sắc hồng rực rỡ. Trong mùa thu hoạch, người dân có thể hái hàng chục nghìn bông mỗi ngày. Những tưởng mọi điều đều thuận lợi cho đến khi các nhà khoa học cảnh báo rằng, tần suất thời tiết bất thường đang ngày càng tăng, từ cái nóng thiêu đốt của mùa hè, mùa đông giá lạnh cho đến lũ lụt bất ngờ.
Theo ông Al-Talhi, đây đều là những mối đe dọa lớn đối với những bông hồng nổi tiếng vùng Taif: “Năm ngoái và cả năm trước nữa, thời tiết lạnh giá bất thường, hoa hồng ở một số khu đã bị hỏng rất nhiều, khiến số lượng thu hoạch giảm đi đáng kể”.
Ông Al-Talhi cho biết, trước đây, dù sản xuất hết công suất, số lượng tinh dầu hoa hồng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu. Bởi không chỉ chiết xuất tinh dầu thơm, hoa hồng nơi đây còn được dùng để sản xuất mỹ phẩm, kem dưỡng ẩm hay xà phòng. Vì vậy, tình hình thời tiết khắc nghiệt hiện nay đang khiến nguồn cung càng thêm hạn chế.
Thế nhưng, chính điều kiện khó khăn lại đang trở thành động lực để ông Al-Talhi nỗ lực nhiều hơn để chăm sóc những thung lũng hoa hồng mà ông bảo “đã chiếm lấy cả tâm hồn, trái tim và cuộc đời ông”./.
Bình luận