Khám phá thành phố Samarkand tại Uzbekistan - trái tim của Con đường Tơ lụa thời cổ xưa
VOV1 - Là một trong những thành phố cổ kính nhất thế giới, Samarkand thường được ví như một viên ngọc quý ẩn mình trong lòng đất nước Uzbekistan.

Không chỉ đẹp bởi những ngọn tháp Hồi giáo uy nghi, những toà nhà với mái vòm xanh ngọc bích, nơi đây còn là một chứng nhân lịch sử quan trọng, là trái tim sôi động của Con đường Tơ lụa, một điểm giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ. 

Samarkand được xây dựng từ thời Đế chế Ba Tư cổ đại, có vai trò là một trung tâm thương mại và văn hóa quan trọng. Đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, Samarkand rơi vào tay Alexander Đại đế và trở thành một phần của nền văn minh Hy Lạp. Trải qua nhiều triều đại, thế kỷ thứ 14 gần như là giai đoạn hoàng kim nhất của Samarkand, dưới sự trị vì của Tamerlane. Khi đó, Tamerland đã chọn Samarkand làm kinh đô và đưa nơi đây trở thành thành phố biểu tượng của văn minh và nghệ thuật Trung Á. Không những vậy, với vị trí thuận lợi, Samarkand còn là trung tâm của Con đường tơ lụa, là nơi các thương nhân, học giả và nghệ sĩ từ khắp các vùng đất như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập hay châu Âu tới giao lưu, trao đổi hàng hoá. 

Sự giao thoa của các nền văn minh lớn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong kiến trúc, văn hóa và con người nơi đây. Thành phố Samarkand được ví như "bảo tàng ngoài trời," nơi mà mỗi góc phố, mỗi công trình đều kể lại câu chuyện của thời kỳ hoàng kim trên Con đường Tơ lụa. Trong đó đáng chú ý nhất là Quảng trường Registan – trung tâm văn hóa và thương mại sầm uất nhất của thành phố. Theo nhà nghiên cứu Armida Nazayan, tên gọi "Registan" có nghĩa là một "nơi đầy cát", bởi trước kia, bề mặt của quảng trường được phủ đầy cát. Quảng trường nổi bật với ba trường học Hồi giáo lớn, được lát gạch men xanh lam, hoa văn tinh xảo và các mái vòm đồ sộ. Ngoài ra còn có lăng mộ Gur-e-Amir được coi là một kiệt tác kiến trúc và là biểu tượng quyền lực của đế chế Tamerland; hay Nhà thờ Bibi-Khanym - một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới thời bấy giờ. 

Ngay gần đó, di tích đồi Afrasiyab, được xem là cái nôi lịch sử của thành phố Samarkand và là khu khảo cổ lớn nhất Trung Á, cũng là nơi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích cung điện của vua Vorkhumana từ thế kỷ VII - VIII. Bà Marina Reutova, người tham gia phục chế các bức bích họa tại đây, chia sẻ: "Chúng tôi đã phát hiện một cung điện của vua Vorkhumana, tồn tại từ khoảng thế kỷ VII - VIII. Trong cung điện này, chúng tôi tìm thấy một đại sảnh lớn với các bức bích họa độc đáo trên tường. Đó là những hình ảnh về trang phục, kiểu tóc, mũ đội đầu và khu vườn của Kokteine từ thời kỳ Con đường Tơ lụa. Tất cả đều khắc hoạ rõ nét quá khứ của thành phố." 

Những bức bích họa này đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, trong đó có cả bảo tàng Louvre tại Pháp. Chúng không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa rực rỡ dọc theo Con đường Tơ lụa.

Cách trung tâm thành phố khoảng 13km, làng Konigil thu hút khách du lịch tới tìm hiểu về kỹ thuật làm giấy lụa truyền thống từ thế kỷ VIII. Giấy lụa Samarkand được làm từ vỏ cây dâu tằm Trung Á, nổi tiếng bởi độ bền và màu sắc óng ánh đặc trưng. Ông Zarif Mukhtarov, một nghệ nhân luôn nỗ lực gìn giữ và khôi phục công thức sản xuất giấy lụa từ thế kỷ XVII tự hào cho biết, những tờ giấy lụa của Samarkand ngày nay vẫn được các nhà phục chế trên thế giới sử dụng để bảo tồn các bản thảo cổ.

"Giấy lụa Samarkand đã theo các đoàn lữ hành trên Con đường Tơ lụa và được mang tới khắp nơi trên thế giới. Giấy lụa Samarkand được đánh giá cao bởi độ mịn, sáng bóng và màu sắc của nó. Loại giấy này cũng rất mềm. Rất nhiều bản thảo cổ từ khoảng 1300 năm trước vẫn được bảo tồn. Lịch sử của chúng tôi được lưu giữ đến ngày nay là nhờ có những tờ giấy lụa Samarkand này."

Trên hành trình khám phá Samarkand, các du khách cũng không thể bỏ qua hương vị của những chiếc bánh mì dẹt được nướng trong lò Tandir truyền thống. Theo chị Gulchehra Nuriddinova – một thợ làm bánh, chiếc bánh mì dẹt Samarkand được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách của người dân nơi đây. "Mẹ tôi đã dạy tôi làm bánh từ khi tôi còn nhỏ. Khi khách đến nhà, chúng tôi luôn mời họ một chiếc bánh nóng hổi. Và khi họ rời đi, chúng tôi cũng tặng họ một chiếc bánh như lời chào tạm biệt"

Đến nay, thành phố Samarkand vẫn được coi là minh chứng sống động cho sự kết nối văn hóa Đông – Tây trên Con đường Tơ Lụa suốt hàng nghìn năm qua. Từ những bức bích họa cổ kính ở Afrasiyab, những tờ giấy lụa bền bỉ, đến hương vị ấm áp của bánh mì Samarkand… tất cả đã tạo nên một bản hòa ca độc đáo, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa trong từng ngõ ngách của thành phố cổ kính này./.

Thảo Mi - Hà My
 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận