Trong cuộc khảo sát của đài truyền hình CBS News và công ty nghiên cứu thị trường quốc tế YouGov, được thực hiện vào cuối tháng 3 với sự tham gia của 2.609 người trưởng thành tại Mỹ, 55% người được hỏi cho rằng ông Trump đã quá chú trọng vào thuế quan và 64% số người tham gia khảo sát cho rằng Tổng thống Trump không đủ chú trọng đến việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho thấy nhiều người dân Mỹ cũng khá thất vọng về chính sách thuế quan hiện nay của ông. Bà Michelle Lim Warner chủ một cửa hàng rượu vang tại bang Maryland cho biết: “Chắc chắn chúng tôi rất lo ngại về thuế quan. Như bạn biết đấy, chi phí tăng cao vốn đã tác động đến biên độ lợi nhuận vốn đã eo hẹp và chắc chắn là tác động đến khách hàng của chúng tôi. Ai sẽ trả 75 đô la cho một chai rượu vang giá 25 đô la? Rượu vang châu Âu chiếm khoảng hai phần ba danh mục rượu vang của chúng tôi. Thuế rượu vang được đánh dấu ở mức 200%, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà bán lẻ rượu vang độc lập, các doanh nghiệp nhỏ thực sự trong toàn bộ chuỗi, chuỗi cung ứng rượu vang. Chúng tôi đang nói về khả năng đóng cửa các cửa hàng, sa thải, mất thuế cho cộng đồng địa phương và thâm hụt thuế ngày càng tăng đối với các tiểu bang và tác động tiềm tàng của điều này có thể là thảm khốc.”
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đưa ra dự đoán thuế suất sẽ tăng 15%, một kịch bản mà trước đây ngân hàng này cho là ít có khả năng xảy ra. Goldman Sachs cảnh báo rằng khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực, các gói thuế này sẽ gây tác động tiêu cực trên diện rộng đến nền kinh tế Mỹ. Trong báo cáo được công bố ngày 30/3, Goldman Sachs tin rằng “rủi ro từ các mức thuế công bố vào ngày 2/4 tới lớn hơn so với những tác động mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường từng dự đoán". Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại chính sách thuế của Tổng thống Mỹ cũng khiến cho các xung đột thương mại leo thang và có thể tác động lâu dài đối với người tiêu dùng Mỹ.
Theo Khảo sát Dự Báo Tình Hình Người Tiêu Dùng của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) tại New York, tính đến tháng 2 năm nay, người tiêu dùng Mỹ dự báo lạm phát sẽ tăng lên 3,1% trong năm tới, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm ngoái. Một khảo sát khác của trường Đại học Michigan mới đây cũng chỉ ra rằng, lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 đã tăng vọt lên tới 4,9% - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2022. Bên cạnh đó, dự báo lạm phát trong 5 năm tiếp theo cũng vọt lên 3,9% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 1993.
Ảnh (Reuters): Những kệ hàng trống với biển hiệu Mua hàng Canada Thay thế được nhìn thấy trong khu vực Rượu Whisky Mỹ của BC Liquor ở Vancouver, British Columbia, Canada ngày 10 tháng 3 năm 2025.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày hôm qua, Giám đốc Qũy tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo chính sách áp thuế quan, dù không có khả năng gây suy thoái trong ngắn hạn song cũng đang tạo ra sự bất ổn lớn và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. "Chúng ta không thấy sự suy thoái nào ở đường chân trời. Nhưng tôi vẫn lưu ý cảnh báo về điều chúng ta cần lo lắng là khả năng hấp thụ của nền kinh tế đối với bất kỳ cú sốc nào nữa. Khi tôi trở thành giám đốc điều hành ngay trước khi COVID, các quốc gia có không gian tài chính dồi dào, nhiều quốc gia trong số họ có không gian chính sách tiền tệ. Tất cả những điều này đã biến mất. Họ có gì? Nền kinh tế Mỹ đã hoạt động rất tốt trong năm qua. Dự báo tăng trưởng của chúng tôi cho năm nay là 2,7% và chúng ta sẽ xem liệu tất cả các diễn biến trong tình hình bất ổn hiện nay có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ hay không” - Bà Kristalina Georgieva đưa ra nhận định.
Ngay trước thềm thời điểm chính sách thuế toàn diện của Mỹ sắp được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ mở cửa giảm mạnh. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 290,65 điểm, tương ứng 0,68%, Chỉ số S&P 500 mất 56,93 điểm, tương ứng 1,01%, và chỉ số Nasdaq Composite mất 277,34 điểm, tương ứng 1,58%. Tại Châu Âu, các nhà đầu tư thận trọng tháo chạy khỏi các khoản đầu tư rủi ro. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,2%, trong đó chỉ số chuẩn tại các nền kinh tế hàng đầu khu vực là Đức và Pháp lần lượt giảm 1% và 1,2%. Các nhà đầu tư đều đang chuẩn bị cho mức thuế quan qua lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2 tháng 4, ngày mà Tổng thống Trump gọi là "Ngày giải phóng" cho nền kinh tế Mỹ.
Kịch bản thuế quan toàn diện đã khiến ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và khu vực đồng Euro, đồng thời tăng thêm mức cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào dự báo cho cả Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Bình luận