Đối với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, việc cho con đi xuất khẩu lao động là điều rất khó thực hiện. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, nhiều người dân ở tỉnh Hòa Bình đã được tiếp cận nguồn vốn cho vay đi xuất khẩu lao động từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Chị Đinh Thị Nga, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, vừa được thụ hưởng từ nguồn vốn vay này, cho hay:
Chồng tôi đi xuất khẩu lao động cũng được Ngân hàng chính sách, Nhà nước cho vay hỗ trợ 90 triệu đồng.
Trong năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình tiếp tục duy trì được tăng trưởng tín dụng khá, tổng dư nợ của toàn Chi nhánh đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng 487 tỷ đồng so với năm trước. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 4.600 lượt hộ nghèo và trên 4 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay vốn; Giúp cho 50 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua nguồn vốn này hàng nghìn hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 5 nghìn 600 lao động. Ông Bùi Văn Lon, Bí thư Đảng ủy xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, cho biết:
Các hộ nghèo, cận nghèo cũng được sự quan tâm của nhà nước cho hỗ trợ vay vốn sản xuất. Vài năm trở lại đây số hộ nghèo có nhu cầu vay vốn thì lại không có lực lượng lao động nên khả năng lao động sản xuất không có, nên số vay vốn không nhiều chỉ có vài hộ vay chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ các đơn vị nắm vững quy định của từng chương trình tín dụng, nhất là quy định về đối tượng được vay vốn. Phấn đấu nguồn vốn chuyển sang hàng năm chiếm tối thiểu 15%. Đến nay 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều đã có nguồn ngân sách địa phương chuyển sang cho Ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền tài trợ của các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân, đẩy mạnh vận động đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Đến nay nguồn vốn huy động đạt trên 480 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 8% nguồn vốn của chi nhánh. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng; Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Lạc, cho biết:
Ngân hàng chính sách huyện Tân Lạc cũng đã tiến hành cho vay giải ngân trên 170 tỷ đồng với 3891 khách hàng được vay vốn. Trong đó chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Hỗ trợ cho bà con xây dựng trên 700 công trình vệ sinh nước sạch đảm bảo môi trường. Qua sự cho vay đã góp phẩn đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. Thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên 1.450 phiên giao dịch xã, phục vụ trên 42 nghìn lượt khách hàng đến trả nợ, nhận tiền vay, gửi tiền tiết kiệm. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các đối tượng chính sách nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín đụng chính sách, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc; Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình, cho biết:
Ngay từ những ngày đầu năm Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã bám sát mực tiêu, chỉ tiêu của ngân hàng cấp trên để triển khai kịp thời nguồn tín dụng ưu đãi với đối tượng được thụ hưởng. Trong 2 tháng đầu năm đã tăng trưởng được trên 180 tỷ đồng so với năm 2024 trong đó chủ yếu cho vay đối với hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay tạo việc làm, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy hiệu quả của 151 điểm giao dịch xã, phường, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm. Quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.
Bình luận