Phó TGĐ VOV: Chuyển đổi số khu vực công phát triển kinh tế xã hội- quá trình “vừa chạy vừa xếp hàng"
VOV1 - Sáng nay 17/7, tại Hà nội diễn ra Diễn đàn Chuyển đổi số khu vực công- tiền đề phát triển kinh tế xã hội do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt nam tổ chức. Ông Phạm Mạnh Hùng- Phó TGĐ Đài TNVN và ông Phạm Tiến Dũng- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam cùng hơn 200 đại biểu đến dự.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yếu tố cốt lõi trong công tác nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hiện địa hoá nền hành chính và cung cấp phát triển kinh tế xã hội. Việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ tối ưu hoá hoạt động của các cơ quan Nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước và người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững. Ông Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt nam nhấn mạnh, chuyển đổi số mở cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên, thành một động lực góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới phương thức quản trị xã hội và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt khu vực công với vai trò dẫn đường đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới, phải số hoá, phải thích ứng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội. “Tại Việt Nam chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp các ngành, các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số. Đại hội đã xác định phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải đổi mới tư duy hành động chủ động nắm bắt kịp thời tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tôi tin rằng với tinh thần quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng sự đồng hành của cộng đồng các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ và toàn xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn có thể thực hiện thành công chuyển đổi số trong khu vực công tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội”

Các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm tiếp tục mở rộng và tăng tốc tiến trình chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy hành chính Nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng số, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa đồng bộ, dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương, nguồn nhân lực có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ, các quay định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin vẫn chưa đầy đủ và thống nhất. Ông Hoàng Nguyên Vân- Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số VIDTI, Giám đốc công nghệ Savis Group chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đang rất thành công trong việc ứng dụng Chính phủ số, chuyển đổi số và xã hội số trong mọi lĩnh vực. Ông Hoàng Nguyên Vân đề xuất trong việc chuyển đổi số với chính quyền 2 cấp. “Đề xuất của tôi đối với chính quyền số mới cho địa phương, chính quyền 2 cấp thì cũng dựa trên trụ cột: nền tảng số chính quyền địa phương, những dữ liệu và có một nền tảng hoàn chỉnh và nguyên tắc phải tích hợp được với đa dịch vụ và các nền tảng dữ liệu dịch vụ khác nhau. Tôi đi làm chính quyền địa phương thù thấy khung kiến trúc 1.0, 2.0 làm rất đẹp, nhưng với thực tiễn thì chúng ta thiếu nguồn lực. Đây có nguồn lực là nguồn lực của chính quyền địa phương tiếp theo nữa là nguồn lực của đối tác, đến khi thực thi chúng ta có những sản phẩm mà không đi đến đích hoặc không đi đến những mục tiêu mong muốn. Và tiếp theo nữa thì chúng tôi tôi khuyến nghị rằng chính quyền địa phương xây dựng phương thức mới đa kênh, tiếp cận người dân, lấy người dân trung tâm tiếp cận người dân với mọi kênh và gắn liền với Smart City, rồi các hệ thống hành chính công 2 Cấp, rồi các hệ thống tích hợp dữ liệu số, tập trung xác thực, tránh lãng phí và ứng dụng ngay như Luật công chứng mới, Công chứng điện tử”.

Ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, phương thức sống làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn rộng khắp. Đặc biệt ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tổng bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 nêu rõ phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là đột phá hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu đưa đất nước phát triển bứt phá giàu mạnh trong kỷ nguyên mới./.

Xuân Lan- VOV1

Xem trên các nền tảng khác