Quốc hội thông qua Nghị quyết xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng
VOV1 - Với đa số phiếu tán thành, vào đầu giờ sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng

 Chiều dài tuyến chính khoảng 390 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27 km; đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Quy mô: đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại

Công nghệ: áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 716 ha (trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 709 ha), đất lâm nghiệp khoảng 878 ha, các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.038 ha;

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203 nghìn 231 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Quốc hội quyết nghị Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt như: Phát hành trái phiếu Chính phủ cho Dự án; Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.

Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật; bảo đảm Dự án đúng tiến độ, chất lượng; Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả./.

 

Lại Hoa-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận