Phóng viên: Là người gắn bó với Việt Nam trong hơn ba thập kỷ với nhiều chuyến đi khắp Việt Nam, ông từng chia sẻ về sự chuyển mình ở các địa phương của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm những thay đổi rõ nét nhất về đời sống kinh tế và xã hội ở Việt Nam mà ông cảm nhận được?
Ông Sam Korsmoe: Tôi rất thích câu hỏi này! Vì tôi có một góc nhìn khá đặc biệt. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1990. Sau đó, tôi sống ở đây 11 năm, từ 1993 đến 2004. Và bây giờ tôi đã quay trở lại, sinh sống tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Như vậy, tổng thời gian tôi sống ở Việt Nam là khoảng 20 năm, và tôi đã gắn bó với Việt Nam trong hơn 35 năm. Điều đó cho tôi được chứng kiến rất nhiều thay đổi lớn.
Một ví dụ đầu tiên, nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng rất đáng chú ý. Từ năm 2018 đến 2025, tức là 7 năm sống tại đây, tôi đi lại bằng xe máy. Trong 7 năm đó, xe tôi chỉ bị thủng lốp khoảng 5 lần. Chỉ 5 lần thôi! Còn hồi những năm 1990, chuyện đó xảy ra gần như hàng tháng. Khi ấy, ở TP.HCM, cứ đi vài trăm mét là thấy một người sửa xe ven đường, vì xe máy thường xuyên hỏng hóc, chất lượng kém. Giờ thì khác hẳn. Điều đó cho thấy chất lượng phương tiện, phụ tùng như lốp xe, máy móc, đã cải thiện vượt bậc.
Tôi cũng nhận thấy sự thay đổi lớn về tinh thần, thái độ sống của người dân. Những năm 1990, Việt Nam còn rất nghèo, và nhiều người khá bi quan. Còn bây giờ, điều đó cũng thay đổi... Có thể ai đó vẫn phàn nàn về thu nhập hay công việc, nhưng hầu hết đều có niềm tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Điều này là sự khác biệt rõ rệt.
Và một điểm nữa, có liên quan đến chính sách của chính phủ, đó là vấn đề tự do thương mại. Ở Việt Nam bây giờ, bạn có thể mua gần như mọi thứ — nếu trong nước không có thì có thể nhập khẩu. Bò từ Úc hay Nam Mỹ, rượu vang từ nhiều nước, mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản...v.v. Internet ở đây cũng rất “mở”. Nhiều quốc gia hay áp dụng “tường lửa”, rồi thì cấm truy cập những thứ đơn giản như Google, YouTube, Facebook. Nhưng Việt Nam không có chuyện đó. Tôi nghĩ, tinh thần cởi mở về thương mại và công nghệ là một khác biệt lớn khi so sánh với nhiều nước khác.

Phóng viên: Không chỉ có những chuyến đi đầy trải nghiệm, ông còn có những nghiên cứu về chính sách kinh tế của Việt Nam... Theo ông, những yếu tố quan trọng nhất nào đã góp phần vào thành tựu giảm nghèo ấn tượng của Việt Nam?
Ông Sam Korsmoe: Vâng, Rất khó để đưa ra một câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này, nhưng tôi có vài ý trong đầu. Tôi cho rằng... Vâng, đây là một câu hỏi lớn, rất quan trọng, và không dễ gì trả lời ngắn gọn được. Tuy vậy, theo tôi có thể nêu ra hai hoặc ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã theo đuổi chính sách giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc — từ các tỉnh thành, vùng nông thôn, miền núi cho đến các đô thị, từ Bắc chí Nam. Không có hiện tượng thiên vị khu vực này hơn khu vực khác. Tôi nghĩ điều này rất khác với nhiều quốc gia khác, nơi mà một số vùng bị bỏ rơi hoặc không được đối xử công bằng. Ở Việt Nam, chính sách có tính lan tỏa hơn, rộng khắp hơn.
Thứ hai, tôi muốn nhắc đến một chỉ số gọi là hệ số Gini, dùng để đo lường mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Hệ số này càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng lớn, còn nếu thấp thì thể hiện xã hội tương đối bình đẳng. Những nước như Na Uy, Thụy Điển hay Phần Lan thường có hệ số Gini khá thấp, và Việt Nam cũng nằm trong nhóm có hệ số thấp — đây là tín hiệu rất tích cực. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, người giàu ngày càng giàu lên trong khi người nghèo thì nghèo đi, làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng. Điều đó đã không xảy ra ở Việt Nam, và để đạt được điều này, chính phủ phải rất chú trọng xây dựng chính sách phù hợp.
Thứ ba, theo tôi, là yếu tố ổn định chính trị. Trong ít nhất 20 năm qua, Việt Nam duy trì được sự ổn định chính trị, nhất là kể từ khi thực hiện Đổi mới và trao quyền nhiều hơn cho các địa phương thay vì tập trung hoàn toàn ở trung ương. Việc phân quyền này ở nhiều nước thường gây ra gián đoạn, nhưng ở Việt Nam thì quá trình đó diễn ra khá suôn sẻ. So với nhiều quốc gia khác từng trải qua quá trình tương tự, Việt Nam giữ được sự ổn định chính trị cao — đó là điều tích cực. Nhờ vậy, thu nhập của người dân, mức sống của các hộ gia đình và toàn xã hội cũng có sự tăng trưởng ổn định.
Trong suốt hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo – một hành trình đầy nỗ lực và quyết tâm, không chỉ thể hiện sự tiến bộ về kinh tế – xã hội, mà còn phản ánh sự cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm an sinh, công bằng và phát triển bền vững. Từ một quốc gia nghèo với gần 60% dân số sống dưới chuẩn nghèo vào đầu thập niên 1990, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn một con số. Thành tựu này không chỉ là niềm tự hào của đất nước, mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Quan trọng hơn, thành công trong giảm nghèo đã tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác, và chủ động hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phát triển mới.
Phóng viên: Từ những gì ông từng chứng kiến trong thời gian gắn bó với Việt Nam, theo ông, một quyết định chính sách - nếu được thực hiện đúng lúc, đúng cách - có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài như thế nào? Và trong hành trình nghiên cứu thực tế tại nhiều địa phương, hẳn là ông cũng có những câu chuyện hoặc trải nghiệm đáng nhớ?
Ông Sam Korsmoe: Có, thật ra là hai trải nghiệm rất đáng nhớ. Trải nghiệm đầu tiên là vào năm 1990. Khi đó tôi có kế hoạch đạp xe xuyên Việt. Về thể lực thì không vấn đề gì, nhưng lúc đó lại không được phép di chuyển tự do. Muốn đi từ điểm A đến B đến C, người nước ngoài phải có giấy phép di chuyển cho từng chặng — một chính sách cũ, may mắn là chỉ áp dụng vài năm rồi bãi bỏ.
Vì không được phép, nên tôi phải đi xe buýt. Tôi nhớ chuyến đi từ Huế ra Vinh. Khoảng cách không quá xa, chừng 200-300 km, nhưng đi mãi không đến. Đó là một chiếc xe buýt cũ của Nga, chạy chậm như người chạy bộ, lên đèo, xuống dốc rất vất vả. Dọc đường, tôi thấy những người ăn xin, trông họ rất nghèo. Cảnh tượng ấy để lại ấn tượng mạnh với tôi về mức độ nghèo khi đó.
Câu chuyện thứ hai là vào những năm 1990, khi tôi làm báo cho một tạp chí kinh tế. Khi đó, chính phủ quyết định vị trí đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên. Nhiều người cho rằng nên đặt ở Vũng Tàu — nơi có hạ tầng tốt, gần mỏ dầu, có cảng, công ty dầu khí.... Nhưng chính phủ lại chọn Quảng Ngãi — một tỉnh miền Trung rất nghèo, không có hạ tầng gì. Lúc đó, ai cũng thắc mắc: “Tại sao lại chọn Quảng Ngãi?” Vì mọi thứ phải xây mới từ đầu — cảng, đường, cầu, điện, tất cả.
Thế nhưng tôi mới có dịp quay lại Quảng Ngãi năm ngoái, không phải ở thành phố mà ở vùng nông thôn và tôi rất bất ngờ: nhà cửa khang trang, đường làng được bê tông hóa, trường học cao 4 tầng, rất đàng hoàng! Nông nghiệp cũng phát triển. Tôi tự hỏi: "Đây là tỉnh nghèo ư?" Thực tế là giờ rất ổn. Và tôi nghĩ, quyết định xây nhà máy lọc dầu ở Quảng Ngãi cách đây 30 năm đã thay đổi cả khu vực. Với tôi, chuyến đi ấy thật đáng nhớ, vì nó gợi lại nhiều suy nghĩ về tầm quan trọng của một quyết định chính sách và tác động lâu dài của nó.
Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình nghiên cứu để viết sách “Việt Nam – Ngôi sao đang lên của châu Á” về sự chuyển mình của Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua, có điều gì khiến ông bất ngờ hoặc khiến ông cảm thấy Việt Nam có cách tiếp cận đặc biệt trong công cuộc giảm nghèo so với các quốc gia khác không?
Ông Sam Korsmoe: Tôi nghĩ điểm khác biệt lớn nhất, là Việt Nam đã thực hiện chính sách giảm nghèo trên toàn quốc — bao gồm cả các tỉnh nông thôn, tỉnh thành đô thị, vùng núi hay ven biển. Có vẻ như hầu hết các tỉnh đều được đối xử tương đối công bằng, ít nhất là về mặt hạ tầng cơ bản như đường xá, điện, viễn thông, cầu cống và trường học.
Dĩ nhiên, ở các vùng nông thôn, quy mô trường học hay cầu đường có thể nhỏ hơn, không được hiện đại như ở thành phố. Nhưng điều quan trọng là không có khu vực nào bị bỏ rơi hoàn toàn. Và tôi nghĩ khi nói đến giảm nghèo, việc Việt Nam quyết định phân bổ đầu tư một cách tương đối đồng đều cho tất cả các tỉnh, chứ không chỉ tập trung vào các trung tâm lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM hay đồng bằng sông Cửu Long, là điều rất đáng chú ý.
Họ hoàn toàn có thể chỉ đầu tư vào vài khu vực có dân số đông, kinh tế năng động, tài nguyên dồi dào để tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Nhưng thay vào đó, họ vẫn quyết định đầu tư cả vào những nơi không có nhiều tiềm năng kinh tế — vì ở đó người dân vẫn cần đường, trường, điện, nước.
Đó là một quyết định mang tính chất của một quốc gia xã hội chủ nghĩa — và quan trọng hơn là họ thực sự thực hiện theo hướng đó. Dù có thể làm chậm tốc độ phát triển ở một số nơi, nhưng chính sách này giúp cộng đồng trên khắp cả nước đều được hưởng lợi. Và với tôi, điều đó rất đáng quan tâm và ấn tượng.
Phóng viên: Còn với các chính sách kinh tế, theo ông chính sách nào cần tiếp tục để cải thiện đời sống người dân trong những năm tiếp theo?
Ông Sam Korsmoe: Với câu hỏi này, tôi có một câu trả lời rõ ràng: Đó là chính sách tự do thương mại. Tự do thương mại ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là thương mại hàng hóa với các quốc gia khác — tức là thuế nhập khẩu thấp, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng — mà còn bao hàm cả sự tự do trong trao đổi ý tưởng, dòng vốn, con người, internet, hàng nhập khẩu từ nước ngoài…Một ví dụ quan trọng là: một doanh nhân tư nhân ở Việt Nam có thể thành lập doanh nghiệp và cạnh tranh trực tiếp với một doanh nghiệp nhà nước. Và doanh nghiệp nhà nước không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào. Họ cũng phải cạnh tranh bình đẳng. Chính sự cạnh tranh này đã giúp tăng hiệu quả, tạo ra nhiều của cải hơn — và theo tôi, chính sách này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến việc cải thiện đời sống người dân.
Chúng tôi có đề cập đến một khái niệm trong cuốn sách của mình, gọi là “prag-ma-tic grit” — tạm dịch là ý chí bền bỉ một cách thực tế. “Grit” là sự kiên trì, nỗ lực làm việc trong thời gian dài để đạt được điều gì đó khó khăn. Điều này không hiếm — ở nhiều quốc gia cũng có, nhất là người nghèo, họ buộc phải chăm chỉ để tồn tại.
Nhưng prag-ma-tic grit ở đây còn thêm một khía cạnh nữa: đó là sự linh hoạt, thực tế trong điều hành chính sách của chính phủ. Nếu một chính sách không hiệu quả, chính phủ sẵn sàng điều chỉnh. Chính sách mới nếu cũng không hiệu quả, lại tiếp tục thay đổi. Và đó là điều đã tạo nên chuyển biến thực sự trong nền kinh tế.
Và vì thế, tư tưởng về sự cởi mở và tự do thương mại, gắn kết với thế giới, không phải điều mà nhiều quốc gia dám thực hiện.
Người Việt Nam ngày nay hiểu biết hơn, có kiến thức tốt hơn về các sản phẩm, và có thể tự tạo ra sản phẩm của chính mình nhờ những ý tưởng và công nghệ từ bên ngoài. Tất cả bắt nguồn từ tư tưởng tự do thương mại. Và thông điệp của tôi trong cuốn sách đó là: Hãy mở cửa biên giới, tiếp nhận ý tưởng từ bên ngoài, thu hút con người từ bên ngoài, và đó là cách để phát triển.
Phóng viên: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu nước ngoài đang nghiên cứu về Việt Nam, ông dự đoán hay kỳ vọng gì về nền kinh tế và cuộc sống của người dân Việt Nam trong 10–20 năm tới?
Ông Sam Korsmoe: Câu hỏi của bạn cũng chính là mục đích của cuốn sách của chúng tôi — để trả lời câu hỏi đó. Chúng tôi muốn lý giải: Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng trong 20 năm qua, vậy liệu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 20 năm tới không? Đó là câu hỏi lớn.
Phương pháp của chúng tôi là kiểm định một giả thuyết: Việt Nam có phải là một nền kinh tế “con hổ châu Á” hay không? Và nếu có, liệu Việt Nam có thể phát triển giống như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc không? Đó là điều chúng tôi đã kiểm chứng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy:
Câu hỏi thứ nhất: Việt Nam có phải là “con hổ kinh tế” ở châu Á không. Câu trả lời là Có. Theo các chỉ số và tiêu chí của chúng tôi, Việt Nam đáp ứng điều đó.
Câu hỏi thứ hai: Việt Nam có thể làm được như Đài Loan và Hàn Quốc không? Đó là một mục tiêu đầy thách thức.
Nếu bạn nghiên cứu kỹ về Đài Loan và Hàn Quốc, bạn sẽ thấy họ phải mất khoảng 50 năm để trở nên giàu có. Và điều đó đồng nghĩa với 50 năm tăng trưởng liên tục, không bị gián đoạn — không suy thoái, không đình trệ.
Việt Nam đã tăng trưởng liên tục suốt 25 năm, và điều đó đã là một thành tích khá đặc biệt. Vì đa số quốc gia, sau 10–15 năm phát triển, sẽ gặp vấn đề: suy giảm, thiên tai, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, thậm chí là chiến tranh. Phát triển liên tục trong 25 năm đã khó. Nếu là 50 năm thì gần như bất khả thi. Có lẽ Đài Loan và Hàn Quốc là những quốc gia ít ỏi từng làm được điều đó. Nhưng giờ đây, Việt Nam đang tiến gần tới cột mốc đó rồi. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể phát triển thêm ít nhất 10 năm nữa, tức là sẽ có 35 năm liên tục tăng trưởng. Còn sau đó nữa thì tôi không chắc. Nhưng chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu đến năm 2045 là trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Đáng chú ý, Thủ tướng và Tổng Bí thư đều nhấn mạnh rằng: Nếu muốn đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng phải đạt ít nhất 8%, còn 6,5% hay 7% là không đủ. Vậy làm thế nào để đạt được điều đó? Cần có những cải cách chính sách, ví dụ như: Cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà; Tăng tiếp cận vốn; Chuyển từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi trong mắt các nhà đầu tư; Tạo điều kiện dễ dàng hơn để làm ăn, chuyển tiền, đầu tư… Tất nhiên, nói thì dễ, ai cũng muốn tăng trưởng 8% hoặc 8,5%. Nhưng để làm được, phải thực hiện những thay đổi chính sách mạnh mẽ. Và nếu Việt Nam làm được điều đó, tức là phát triển liên tục trong 50 năm, thì Việt Nam sẽ nằm trong nhóm “hiếm” các quốc gia nào làm được điều đó sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Về cá nhân tôi, tôi rất lạc quan với triển vọng phát triển của Việt Nam!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Bình luận