Năm qua, ngành du lịch Bến Tre đánh dấu sự vươn mình phát triển, mang nét đặc trưng “Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa” với những con số ấn tượng: đón tiếp trên 2,5 triệu lượt du khách tăng 15% so cùng kỳ năm 2023, trong đó có trên 616 nghìn lượt du khách quốc tế, tăng hơn 53%. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 3.278 tỷ đồng, tăng trên 18,6% so năm trước đó.
Theo ông Trần Bá Sanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, hầu hết các công ty du lịch của tỉnh đã có bước chuyển rõ nét, đã chủ động trong đầu tư, phát triển sản phẩm của mình; cùng xây dựng hệ thống tour tuyến, điểm đến chất lượng, có trách nhiệm xã hội, hướng đến thân thiện môi trường: “ Hiện nay, phải làm sao cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và công nghệ số- công nghệ tri thức mà doanh nghiệp du lịch phải quan tâm hàng đầu. Trước đây, mình chỉ xem du lịch là ngành phục vụ thôi, nhưng nay là ngành kinh tế mũi nhọn. Tôi và các anh em doanh nghiệp du lịch Bến Tre đều xác định vai diễn của mình và làm sao có hành lang pháp lý và các chủ trương, chính sách, hướng dẫn giúp đỡ để du lịch phát triển bền vững”.

So với khu vực ĐBSCL, Bến Tre có nét riêng về vị trí địa lý, tiềm năng để phát triển hoạt động du lịch, nhất là các mô hình du lịch sinh thái tại các vườn cây ven sông, cù lao, ven biển, du lịch hoa kiểng tại huyện Chợ Lách, du lịch sông nước…Đến nay, toàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch được cấp phép; trong đó, có 11 DN lữ hành quốc tế, 21 DN lữ hành nội địa; 90 cơ sở lưu trú, với trên 1.700 phòng có sức chứa khoảng 3.200 khách. Toàn tỉnh có trên 130 cơ sở ăn uống với khoảng 35 nghìn chỗ ngồi; trong đó, có 6 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trên 60 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch, mua sắm, vui chơi giải trí, 9 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 10 trạm dừng chân đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Các cơ sở lưu trú du lịch tại xứ dừa được đầu tư và khai thác hiệu quả, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, được du khách đánh giá cao như: khách sạn Diamond Star (5 Sao), Bến Tre Riverside Resort (4 Sao), Forever Green Resort, khách sạn Hàm Luông (3 Sao) và các homestay gắn với phục vụ tuyến điểm du lịch như: Maison du Pays de Bến Tre, Cồn Bà Tư, Út Trinh… Khách sạn Diamond Star Bến Tre đã được Tổng cục Du lịch ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 5 Sao và là 1 trong 5 đơn vị đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN năm 2024 tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khu du lịch đã đổi mới, nâng cao sản phẩm, sáng tạo, đảm bảo yếu tố xanh, thân thiện môi trường như: Du lịch C2T Bến Tre, Người giữ Rừng, Khu du lịch Lan Vương, nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ, Du lịch Cồn Phụng, Bến Tre Riverside Resort...

Để phục vụ nhu cầu của du khách ngày càng cao, theo xu hướng tất yếu của ngành du lịch Việt Nam và thế giới, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch xứ dừa đang chuyển đổi, đổi mới mạnh mẽ theo hướng riêng, phát huy tài nguyên bản địa; tích cực chuyển đổi số, du lịch giảm phát thải, du lịch tuần hoàn. Tại huyện Chợ Lách phát huy nghề sản xuất truyền thống là cây giống, hoa kiểng gắn với Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách đang được triển khai xây dựng để phát triển du lịch nông nghiệp. Năm 2024, địa phương tổ chức thành công lễ hội “Hoa -kiểng sắc màu Chợ Lách” cũng nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong tương lai.

Ông Phạm Anh Linh chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: “ Thứ nhất mình làm sao phát huy, giữ vững thương hiệu hoa kiểng của huyện, làm sao đảm bảo cung ứng ra thị trường có chất lượng, đẹp. Ngoài ra có thương hiệu hoa kiểng này mình thúc đẩy du lịch nông nghiệp. Điều mong mõi qua lễ hội là quảng bá, giới thiệu thương hiệu hoa kiểng Chợ Lách đến mọi vùng miền đất nước biết, qua đó để thúc đẩy phát triển các dịch vụ nông nghiệp nhất là dịch vụ về nông nghiệp- du lịch, để kéo về Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, phát triển đề án đó”.

Khu du lịch “Người giữa rừng” tại ấp Tân An, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có hướng đi cá biệt là làm du lịch dưới tán rừng, phục vụ du khách các món ăn hải sản tự nhiên ở vùng ven biển này. Mỗi tháng, khu du lịch “ Người giữa rừng” thu hút trên 3000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng; trong đó có chương trình “trồng cây gây rừng” có sự tham gia của khách tham quan. Ông Nguyễn Tấn Vàng, chủ cơ sở du lịch “Người giữ rừng” cho biết thêm: “ Bản thân du lịch “ Người giữ rừng” thực hiện các hoạt động gắn với rừng ngập mặn; tức là mình đẩy mạnh tuyên truyền, có những chương trình trồng rừng. Du khách đến đây sẽ tham gia hoạt động trồng rừng, mình kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến rừng ngập mặn. Từ đó mình đưa cho khách hàng các sản phẩm có chất lượng tốt và quay trở lại mình có tác động tốt cho rừng. Thông qua công tác tuyên truyền đánh bắt hải sản dưới tán rừng, thì phải có rừng mới được nên trồng cho rừng ngày càng phát triển, mở rộng diện tích lên”.

Trong kỉ nguyên mới, ngành du lịch Bến Tre không chấp nhận “dậm chân tại chỗ”, không bằng lòng với mô hình du lịch truyền thống mà các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tiếp cận cách làm du lịch mới, ứng dụng các công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá, xây dựng thương hiệu, thu hút du khách qua các nền tảng xã hội. Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T Bến Tre là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển du lịch xanh, chú trọng chất lượng sản phẩm hơn số lượng. Năm qua, công ty phục vụ hơn 7000 du khách, tăng về doanh thu khoảng 30% so với năm trước đó; đặc biệt công ty đã đạt giải thưởng Quốc tế Kotler Awards 2024 trong lĩnh vực Tiếp thị Marketing với dự án tiên phong Netzero Tours. Hiện nay, công TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T Bến Tre ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động kinh doanh du lịch. Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông- Du lịch C2T, thành phố Bến Tre chia sẻ: “Công nghệ AI giúp cho chúng ta đánh giá những rủi ro trong tương lai, thậm chí làm marketing rất dễ dàng. Chúng ta dùng các ứng dụng AI để dựng các video clip, thật ra du lịch thì dùng quảng bá, marketinh là chủ yếu. Thứ 2 là chúng ta dùng AI để đo lường phát thải về môi trường cũng như tích hợp những SDG để phát triển bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh. AI không chỉ giúp cho chúng ta xây dựng lại mô hình, đánh giá rủi ro thậm chí phân tích về tài chính”.

Để phát triển ngành du lịch, tỉnh Bến Tre đã có nhiều chương trình, đề án, hoạt động riêng biệt, bổ trợ cho ngành “công nghiệp không khói”này. Bến Tre đã nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 08 xã ven sông Tiền (giai đoạn 2); tiếp tục mời gọi đầu tư khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ, xã Phú Túc và Khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Qui, xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); hoàn thành bến tàu du lịch tại công viên bờ Nam sông Bến Tre; triển khai dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Làm đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn quy trình đầu tư phát triển du lịch ở các xã Tiên Thủy, Tân Phú và Tiên Long của Công ty Cổ phần du lịch Vàm Hàm Long (huyện Châu Thành); xúc tiến dự án đầu tư phát triển du lịch Cồn cái Gà xã Long Thới (huyện Chợ Lách); dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Phú Long và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Bình Trung (huyện Bình Đại). Ngoài ra, Bến Tre đang nghiên cứu dự án đầu tư Trung tâm hội nghị và khách sạn 5 sao tại thành phố Bến Tre, Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - văn hóa - tâm linh tại khu vực Cồn Bửng tại xã Thạnh Hải, Khu đô thị thương mại dịch vụ tại xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú)...

Hiện tại, xứ dừa có 23 dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; trong đó, có 05 dự án đã hoàn thành 04 dự án đang đầu tư chưa hoàn thành, 01 dự án đã cho chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện, 08 dự án đang xin chủ trương khảo sát đầu tư. Bến Tre tiếp tục duy trì các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Bến Tre có có 01 sản phẩm OCOP du lịch 4 sao (Nông trại Hải Vân- Sân chim Vàm Hồ); 04 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao (Khu du lịch nghỉ dưỡng Forever Green Resort; Dịch vụ lưu trú du lịch La Villa De Coco; Dịch vụ du lịch cộng đồng Cồn Bửng; Homestay Nhà Ngoại).

Theo Sở Văn hóa- Thể thao du lịch tỉnh Bến Tre năm nay, địa phương phấn đấu tiếp đón hơn 2,8 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 115% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Trường/VOV ĐBSCL
Bình luận