Ngày 18/11/2024, trong cuộc gặp mặt các nhà giáo nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã yêu cầu phát động, thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số". Là một trong những cơ sở đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường. Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và quản trị nhà trường giúp giảng viên, sinh viên nâng cao năng lực số và khả năng sử dụng công nghệ, thiết bị, ứng dụng số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số.
Mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, việc làm quen thuộc của Phùng Trần Gia Bảo sinh viên năm thứ 4 ngành Công nghệ giáo dục thuộc Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội đó là truy cập vào ứng dụng iCTSV và Hệ thống quản trị đại học trực tuyến (eHUST) của trường để kiểm tra lại thông tin về lớp học, thời khoá biểu, lịch công việc, các tin tức và thông báo quan trọng của trường, các hoạt động ngoại khoá của đoàn thanh niên… Chỉ với chiếc điện thoại thông minh được kết nối internet, khi truy cập vào các ứng dụng này, Gia Bảo còn tự lập kế hoạch học tập cho bản thân, thực hiện các dịch vụ hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Việc học tập các môn của em cũng linh hoạt hơn với chương trình học tập kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (B- Learning):
"Với hệ thống B- Learning thì em sẽ có một tuần học online và một tuần học offline. Tuần học online học lý thuyết thì em có thể ở nhà và chủ động về thời gian để mình học tập. Còn học offline thì ở trên lớp bọn em sẽ được tổ chức các hoạt động học tập nhiều hơn. Khi mà học tập B- Learning thì em có thể trau dồi cho mình khả năng tự học, tìm kiếm nhiều các nguồn tài liệu, thông tin và có thể học ở bất kỳ thời gian nào và bất kỳ địa điểm nào, người học cũng có thêm nhiều cơ hội hơn hành trên lớp và khối lượng học tập sẽ hiệu quả hơn."
Là sinh viên năm thứ 2, ngành Công nghệ Thông tin chương trình tiên tiến của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Văn Việt được thoả sức tìm hiểu và trải nghiệm các chương trình học và bài giảng điện tử trên nền tảng số của trường. Với nguồn học hiệu số dồi dào (gồm cả video bài giảng và sách tham khảo được số hoá) cùng các tiện ích mà Hệ thống quản trị học tập B- Learning và Hệ thống quản trị đại học trực tuyến (eHUST) cung cấp, Nguyễn Văn Việt hoàn toàn chủ động xây dựng lịch học tập và hoạt động ngoại khoá cho bản thân để có thể học ở mọi lúc, mọi nơi một cách hiệu quả nhất:
"Không chỉ là kiến thức trên trường, trường còn kết hợp với các bên để đem lại cho anh em những cơ hội để học hỏi những kiến thức mới. Ví dụ như trường hợp đã kết hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cung cấp cho chúng em những khóa học kỹ năng trên Coursera và giúp em có thể học được những kiến thức mới. Ngoài ra, trường cũng luôn cập nhật chương trình đào tạo và hỗ trợ đặc biệt với ngành công nghệ thông tin- là một ngành luôn luôn có sự thay đổi và cập nhật mới trong công nghệ. Điều này giúp cho những sinh viên có thể có đủ hành trang và kiến thức để có thể bước ra thị trường lao động mà không hề gặp bỡ ngỡ."


Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo và hỗ trợ người học là một giải pháp chiến lược của Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phù hợp với sinh viên thế hệ mới, những người đã sử dụng các nền tảng số và tài liệu điện tử từ rất sớm. Với thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát huy đào tạo trên nền tảng số và công tác đánh giá, thi cử cũng áp dụng nền tảng số. Hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST hỗ trợ cho giảng viên và người học một cách hiệu quả các nhiệm vụ của từng cá nhân. Bà Nguyễn Thị Vân Hương, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:
"Hệ thống eHUST này có một dữ liệu thông tin rất đồ sộ và liên thông trong rất nhiều mảng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, các bài báo hay các chỉ số, tiêu chí để đánh giá đều có trên hệ thống hết. Thầy cô có thể tra cứu thông tin, có thể cập nhật thông tin dễ dàng cũng như cán bộ quản lý đều có thể tra cứu, cập nhật thông tin, quan trọng nhất là đánh giá cán bộ cũng đều thông qua những chỉ số trên hệ thống eHUST."
Từ đầu năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển và đưa vào hoạt động ứng dụng BKOffice dành riêng cho công tác xử lý văn bản và ký số, giúp cho việc xử lý văn bản trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ văn phòng. Đại học Bách khoa Hà Nội tự thiết kế và xây dựng các sản phẩm ứng dụng phục vụ trực tiếp cho các công tác của Đại học. Các ứng dụng này được nâng cấp và ngày càng tốt hơn, tối ưu hơn với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, các hệ thống, nền tảng số như eHUST là công cụ gắn bó mật thiết với thầy và trò nhà trường do sự tiện dụng cùng các chức năng hữu ích và hiệu quả xử lý công việc mà các hệ thống này mang lại. Trong thời gian tới, cùng với nâng cao chất lượng của hạ tầng số, như đường truyền, máy chủ và các phương tiện phần cứng, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tập trung vào xây dựng mô hình giáo dục đại học số chia sẻ để cùng xây dựng hệ sinh thái học tập số:
"Trường tập trung vào hướng là xây dựng các học liệu và đưa các hệ thống nghiệp vụ của nhà trường trở nên thông minh hơn bằng các công cụ AI để giúp giảm thời gian xử lý công việc với một số lượng lớn và thứ hai là hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo có thể ra quyết định kịp thời và đúng đắn. Nhà trường hướng tới là cùng với các trường khác để xây dựng các hệ thống học liệu số chia sẻ để giúp cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các trường- khoảng 30 trường đào tạo về kỹ thuật công nghệ có thể có những phần học liệu và có một nền tảng, để giúp cho việc tổ chức đào tạo cũng như việc dạy và học trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ tốt hơn".

Trong xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai từng bước hợp lý, xây dựng hạ tầng mạng thông tin tốc độ cao, trung tâm dữ liệu hiện đại, chuẩn hoá và lưu trữ dữ liệu hoạt động và tự phát triển phần lớn các ứng dụng phần mềm để sử dụng cho quản trị mọi mặt. Quy mô đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 đã gấp đôi quy mô đào tạo năm 2017, nhưng đội ngũ viên chức hành chính giữ ổn định về số lượng, và sinh viên tốt nghiệp vẫn được đánh giá rất cao trên thị trường lao động. Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường đã và đang góp phần giúp sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường làm chủ các kỹ năng làm việc trong môi trường số tốt hơn, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là những hoạt động thiết thực của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số" hiện nay./.
Bình luận