Hàng loạt chỉ trích từ các nước bị áp thuế, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm đáy, chỉ số các đồng tiền chủ chốt lung lay – Đó là tất cả những gì mà thế giới chứng kiến trong 36h qua sau quyết định đánh thuế đối ứng của Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump). Chính vì vậy, đây cũng được coi là canh bạc nguy hiểm tạo ra những rủi ro chính trị đối với chính Tổng thống Trăm.

Sau thông báo áp thuế đối ứng đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các phản ứng của các nước và thị trường, Tổng thống Trăm ngay lập tức thừa nhận “đây là một cuộc phẫu thuật”, mà phẫu thuật thì phải có đau đớn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sau cuộc phẫu thuật, “bệnh nhân sẽ khỏe mạnh” hơn bao giờ hết. “Điều này có thể dự đoán được khi đây là một bệnh nhân rất ốm. Chúng ta đã thực sự thừa hưởng một nền kinh tế khủng khiếp, như bạn biết đấy, với rất nhiều vấn đề, bao gồm mất sản xuất và các nhà máy đóng cửa trên khắp cả nước. Nước Mỹ đã mất 90.000 nhà máy và khoảng 6 triệu việc làm. Do đó, chính xác Mỹ là một bệnh nhân ốm. Nó đã trải qua một cuộc phẫu thuật vào Ngày Giải phóng. Và nó sẽ trở lại một cách bùng nổ khi nước Mỹ có hàng nghìn tỷ đô la được cam kết sắp tới." - Ông Trump khẳng định.
Trái với lạc quan của Tổng thống Trăm, thị trường vẫn tiếp tục chưa có dấu hiệu phục hồi. Các chỉ số chuẩn của Phố Wall trong phiên giao dịch tương lai ngày hôm nay ở mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất trong nhiều năm qua. Các chuyên gia kinh tế liên tục đưa ra những phân tích về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện và suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó kinh tế Mỹ có thể giảm tăng trưởng 2 điểm phần trăm trong năm nay và làm tăng lạm phát lên gần 5%. Chuyên gia kinh tế Youssef Ait Benasser tại Mỹ đánh giá “Các mức thuế quan này sẽ hoạt động như những bức tường lửa bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Tuy nhiên chính sự bảo vệ này lại có thể làm giảm động lực mà các công ty Mỹ cần để đổi mới hoặc cải thiện quy trình sản xuất. Vì vậy, về lâu dài, điều này có thể cản trở mức tăng năng suất và việc làm mà Mỹ có thể đạt được. Đã có nghiên cứu cố gắng thiết lập mối liên hệ giữa thuế quan và tác động đến lạm phát, chúng tôi có một số ước tính cho rằng tác động ở mức 0,8 điểm % của lạm phát CPI. Vì vậy, những điều này sẽ có tác động đến lạm phát, ít nhất là về mặt tác động trực tiếp."
Cùng quan điểm, ông Robert Kahd, Giám đốc điều hành vĩ mô toàn cầu tại tập đoàn EURASIA nhận định "Tôi nghĩ một số quốc gia sẽ trả đũa. Nhiều quốc gia sẽ kiềm chế và hy vọng có được sự nhượng bộ. Nhưng đó là một lý do khiến chúng ta sẽ tiếp tục có sự bất ổn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn là một tập đoàn đa quốc gia lớn, ngay cả khi bạn nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu được tái cấu trúc mới này, bạn sẽ không thực hiện các cam kết vốn dài hạn, vốn không thể đảo ngược tại thời điểm này. Bạn sẽ phải chờ đợi. Và do đó, tác động lạnh của sự bất ổn chắc chắn là một yếu tố khác sẽ đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới."
Chính sách thuế đối ứng mới nhất của Tổng thống Trump đang trở thành một canh bạc chính trị lớn nhất của ông. Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters/Ipsos đưa ra hôm qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ mà cử tri Mỹ dành cho nhà lãnh đạo nước này là 43%, giảm 2 điểm phần trăm so với kết quả cuộc khảo sát tiến hành hôm 21-23/3 và giảm 4 điểm phần trăm so với mức ủng hộ 47% mà ông Trump có được sau khi nhậm chức hôm 20/1. Đây là mức ủng hộ thấp nhất kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay. Con số này cũng phản ánh mức độ bi quan của người Mỹ ngày càng tăng sau khi chính quyền Trump 2.0 đưa ra hàng loạt các chính sách thuế quan gây tranh cãi.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, cử tri Mỹ đánh giá thấp ông Trump xử lý các vấn đề kinh tế với mức 37%. 52% nhất trí đánh giá rằng việc áp thuế quan lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Một tỷ lệ tương tự cũng nói rằng việc tăng thuế quan nói chung sẽ có hại nhiều hơn là mang lại lợi ích, trong khi chỉ khoảng 30%, trong đó phần lớn là người thuộc Đảng Cộng hòa của ông Trump, không đồng ý với đánh giá cho rằng thuế quan sẽ gây hại.
Chưa rõ liệu “canh bạc” thuế quan mới của Tổng thống Trump có thực sự mang lại "cú hích" cho nền kinh tế Mỹ như thông báo của chính quyền hay không, nhưng hậu quả đã nhìn thấy ngay trước mắt. Mặc dù đây được xem là “mức thuế chưa từng thấy trong khoảng một thế kỷ” song nó có thể vẫn chưa dừng lại. Giới quan sát đều cho rằng “đợt tăng thuế lịch sử” có thể đẩy trật tự toàn cầu đến điểm tan vỡ và khởi động một quá trình chuyển đổi “đau đớn” cho chính người dân Mỹ khi các mặt hàng thiết yếu đều sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chưa kể tác động từ việc phá vỡ các liên minh được xây dựng với Mỹ để đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế./.

Bình luận