Tăng cường hợp tác liên ngành trong cuộc chiến chống mua bán người; ngăn vấn nạn “việc nhẹ lương cao
VOV1 - Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kết nối hành động: Không để ai lại phía sau trong công tác phòng, chống mua bán người”. Sự kiện được tổ chức nhân “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”.

Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn biến rất phức tạp. Theo ghi nhận từ Báo cáo thực trạng nạn mua bán người vào các tổ hợp lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á của Tổ chức Di cư Quốc tế, số người được nhận hỗ trợ của tổ chức này trong khu vực đã tăng hơn 3 lần từ 296 nạn nhân năm 2022 lên 978 nạn nhân năm 2023. Nạn nhân thường là người trẻ, bị lừa tuyển dụng với những hứa hẹn về công việc hấp dẫn, nhưng sau đó bị tịch thu các giấy tờ tùy thân, giam giữ, đánh đập, lạm dụng và ép buộc phải thực hiện các hành vi lừa đảo.

Phát biểu tại sự kiện, Đại tá Lê Hoàng Dương, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, nhấn mạnh: “Hiện nay, nạn nhân mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Các đường dây mua bán người xuyên quốc gia được tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác như nhập cư trái phép, lao động bất hợp pháp, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy, lừa đảo trên không gian mạng...”

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người các giai đoạn đều có sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành và mọi người dân; trong đó, lấy phòng ngừa là chính, là yếu tố căn bản trong triển khai các mặt công tác. Đáng chú ý, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, đã bổ sung các nguyên tắc quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là nguyên tắc "lấy nạn nhân làm trung tâm", mở rộng đối tượng được bảo vệ cũng như chế độ hỗ trợ cho nạn nhân.

Bà Mitsue Pembroke, quyền Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam đánh giá cao, những nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong công tác sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: “Một trong những điểm nổi bật của luật sửa đổi là nhấn mạnh vào việc lấy nạn nhân làm trung tâm trong quá trình xây dựng chính sách. Và luật sửa đổi cũng tạo điều kiện tốt hơn cho công tác tái hòa nhập cho mọi đối tượng từ công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam, người không quốc tịch và trẻ vị thành niên.”

Với chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (30/07) toàn cầu năm nay “Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!”, sự kiện là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mức độ nghiêm trọng của tội phạm mua bán người – một loại tội phạm có tổ chức, gây tổn hại không chỉ đến các nạn nhân trực tiếp mà còn đe dọa an ninh, trật tự và sự phát triển bền vững của toàn xã hội./. 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận