Mỹ “thẳng tay” áp thuế – Trung Quốc “không khoan nhượng”
VOV1 - Mỹ thẳng tay áp thuế 104% đối với Trung Quốc, Trung Quốc không nhượng bộ. Thị trường toàn cầu chao đảo, nín thở chờ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống thang.

 Hôm nay (9/4)  Mỹ quyết định áp thuế tới 104% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là mức thuế lớn chưa từng có của Mỹ đối với Trung Quốc, đẩy bế tắc kinh tế giữa hai siêu cường lên một bậc. Thế giới vẫn đang nín thở chờ hai nước xuống thang để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. 

Phát biểu trước báo giới chỉ vài giờ trước khi quyết định đánh thuế mức 104% với Trung Quốc có hiệu lực, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn đang “chờ một thỏa thuận” từ phía Trung Quốc. "Tôi vừa nói chuyện với tổng thống về vấn đề này và ông ấy tin rằng Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Trung Quốc đã sai lầm khi trả đũa. Tổng thống nói rằng khi nước Mỹ bị đấm, ông ấy sẽ đấm trả mạnh hơn. Đó là lý do tại sao mức thuế 104% sẽ có hiệu lực đối với Trung Quốc vào 9/4. Nhưng Tổng thống Trump tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận. Họ chỉ không biết làm thế nào để bắt đầu. Và tổng thống cũng muốn tôi nói với tất cả các bạn rằng nếu Trung Quốc đưa tay ra để đạt được một thỏa thuận, ông ấy sẽ vô cùng tử tế. Nhưng ông ấy sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân Mỹ." - Bà Karoline Leavitt nói.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của Nhà Trắng, Trung Quốc khẳng định nếu “Mỹ quyết tâm đi theo con đường này thì Trung Quốc sẽ đánh đến cùng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm nhấn mạnh mong muốn đối thoại với Mỹ song Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động có thể gây suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ của Mỹ trong cuộc chiến thuế quan này, đồng thời “sẽ đưa ra biện pháp đáp trả đanh thép nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình". 

"Tôi muốn nhắc lại rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến thuế quan. Chủ nghĩa bảo hộ không có lối thoát. Người dân Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ điều đó. Dùng đến áp lực, đe dọa không phải là cách đúng đắn để giao thiệp với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình." - Người phát ngôn Lâm Kiếm khẳng định.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gửi thông điệp cho biết Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đưa ra quan điểm từ sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng cuối tuần trước.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, “cuộc chiến thương mại đúng nghĩa” ngay ở trước mắt và dường như cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn lùi bước.  Cuộc “so găng gay cấn” trong chính sách thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Các thị trường chứng khoán chủ chốt không ngừng lao dốc sau các tuyên bố cứng rắn của cả hai bên. Goldman Sachs đã nâng khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới từ mức 20% lên 35%, còn Ngân hàng đầu tư J.P. Morgan ước tính có 60% khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay, tăng so với mức dự tính 40% trước đó. Chỉ trong vòng chưa tới một tuần, cuộc chiến thương mại đã gây ra những tổn thất lớn nhất cho thị trường thế giới kể từ đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích tính toán rằng gần 5.000 tỉ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ bài phát biểu áp thuế của Tổng thống Trump vào hôm 2-4.

Ông David Firestein, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, Quỹ George HW Bush vì quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nhận định "sẽ có những tác động. Thứ nhất, nó sẽ làm tăng giá và góp phần rất lớn vào lạm phát. Thứ hai, nó sẽ dẫn đến mất việc làm ròng, vì các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các đầu vào cho sản phẩm cuối cùng của họ. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải tăng giá sản phẩm. Điều đó có nghĩa là ít người sẽ mua sản phẩm hơn và điều đó có nghĩa là các nhà máy sẽ phải sa thải nhân viên. Và tất nhiên, nó sẽ dẫn đến sự suy yếu của đồng đô la và theo nhiều nhà kinh tế, khả năng xảy ra suy thoái sẽ cao hơn nhiều."

Tuy nhiên, thế giới vẫn nín thở chờ đợi những động thái xuống thang của cả hai bên. Đến nay, đã có khoảng 70 quốc gia đang thực hiện các biện pháp đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan.  

 

Châu Anh

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận