Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam bố trí ngân sách hàng trăm tỷ đồng để tổ chức di dời, tái định cư cho khoảng 7.000 hộ dân từ nơi chịu ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở mới an toàn. Từ nguồn vốn của Đề án sắp xếp, bố trí dân cư của tỉnh, mỗi hộ tái định cư được hỗ trợ mặt bằng, tiền mua vật liệu và xây dựng các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí 120 triệu đồng.

Tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc Cơ Tu được cấp kinh phí để làm nhà mới. Ông A Rất Hời, ở tổ dân phố Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang cho biết, trước đây gia đình ông sống trong căn nhà xập xệ, mưa thì phải lấy thau hứng nước, tìm mãi chưa được chỗ ráo để nằm. Mùa nắng thì mặt trời rọi vào tận trong nhà. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, rồi bà con trong làng Mực cùng góp ngày công, giúp gia đình ông có được căn nhà kiên cố. Ông A Rất Hời bày tỏ: “Hoàn cảnh tôi trước đây rất khó khăn, con đông, nhà cửa lụp xụp. Được đảng nhà nước, huyện, thị trấn Thạnh Mỹ xét hộ có công với cách mạng hỗ trợ làm nhà, hiện có nhà mới cứng cáp, mưa bão không sợ nữa”.

Liên tiếp các đợt thiên tai xảy ra tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam thời gian qua khiến tình trạng sạt lở diễn biến khó lường, đe dọa tính mạng và đời sống của hàng ngàn hộ dân. Tại thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, giữa tháng 9/2024, phát hiện vết nứt và sụt lún đất nằm trên đỉnh đồi cách khu dân cư khoảng 60m. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân thôn 56B, chính quyền xã Đắc Pre đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với 41 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời bố trí khu tái định cư di dời dân đến nơi an toàn.

Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, ngoài nguồn ngân sách của huyện và tỉnh, địa phương còn sử dụng nguồn kinh phí của Dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để di dời hàng ngàn hộ dân đến các khu dân cư tập trung. Ông A Viết Sơn khẳng định: Những khu tái định cư tại huyện Nam Giang được Nhà nước đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm: “Việc bố trí tái định cư, hỗ trợ người dân làm nhà cần nguồn vốn rất lớn nên chúng tôi phải lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia mới đáp ứng được nguồn lực và kịp thời triển khai thực hiện”.
Tỉnh Quảng Nam có 8 huyện miền núi. Trong các đợt mưa bão gần đây, các địa phương này đã di dời khẩn cấp 7 ngôi làng với hơn 150 hộ dân. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương miền núi tiến hành khảo sát, đánh giá chọn vị trí, lên phương án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho khoảng 3.300 hộ. Tỉnh này huy động nguồn lực, nhất là nguồn kinh phí từ Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" và nguồn lực từ chương trình xoá nhà tạm để giúp các hộ nghèo miền núi sớm an cư.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho khoảng 3.300 hộ dân sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, lũ ống, lũ quét: “Tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát lại nguồn lực từ dự án 1 và dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nếu huyện nào chưa triển khai hoặc chưa có khối lượng để giải ngân thì sẽ điều chuyển đến các địa phương đang bị đe doạ bởi sạt lở để khẩn trương tái định cư. Phương án lâu dài trong ứng phó thiên tai để người dân không còn nỗi lo mất an toàn, khi mưa bão đến thì tỉnh sẽ huy động nguồn lực để khẩn cấp xây dựng các khu tái định cư an toàn”.
(Long Phi/VOV Miền Trung)
Bình luận