Với chính sách thuế quan mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rung chuyển các nền kinh tế trên toàn thế giới, cùng những nỗi lo về cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu, khi nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp trả đũa.
Không dừng lại, các nhà kinh tế của Giây-pi-mo-gần (JPMorgan) dự báo tác động của thuế quan cũng sẽ khiến GDP của Mỹ trong năm nay giảm thêm 0,3% so với mức dự báo 1,3% trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,2% lên 5,3%.
Tuy nhiên, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, đồng thời là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett hôm qua vẫn lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan, cho rằng điều này nhằm định vị lại vai trò của Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu. Và rằng những lo ngại về suy thoái là không có cơ sở khi tăng trưởng việc làm ở Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh.
“Đây không phải là chiến lược để thị trường sụp đổ mà là chiến lược tạo ra Thời kỳ hoàng kim tại Mỹ cho người lao động Mỹ. Đó chính là chiến lược. Tôi dự đoán số lượng việc làm sẽ còn tăng cao hơn nữa khi thuế quan được áp dụng.”
Ông Kevin Hassett và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cùng xác nhận, đến thời điểm hiện tại, có hơn 50 quốc gia liên hệ và đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ.
Dự kiến, trong ngày hôm nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump để tìm cách hoãn mức thuế 17%. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đưa ra mức thuế quan bằng 0 làm cơ sở cho các cuộc đàm phán với Mỹ, cam kết xóa bỏ rào cản thương mại; đồng thời cho biết, các công ty của Đài Lan sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ. Ấn Độ cũng vừa thông báo không trả đũa mức thuế 26% của Mỹ và cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để đạt được một thỏa thuận khả thi.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết, ông sẽ không lùi bước cho đến khi thâm hụt thương mại với các nước “không còn”:
“Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, châu Á và từ khắp nơi trên thế giới. Họ đang rất muốn đạt được một thỏa thuận. Nhưng tôi đã nói, chúng tôi sẽ không để thâm hụt với đất nước của các bạn. Chúng tôi sẽ không làm điều đó bởi vì, với tôi, thâm hụt là một sự mất mát. Mỹ sẽ có thặng dư, hoặc ít nhất là chúng tôi sẽ hòa vốn.”
Đề cập đến sự biến động, chao đảo của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi gần 6.000 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ bị thổi bay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ví von chính sách thuế quan giống như liều thuốc để điều trị.
Từ ngày 5/4, các nhân viên hải quan Mỹ đã bắt đầu thu thuế quan đơn phương 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Mức thuế quan “có đi có lại” cao hơn từ 11% đến 50% đối với từng quốc gia sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4 tới./.
Đình Nam/VOV1
Bình luận