Công bố tên mới của Petrovietnam & Gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô PM3 CAA
VOV1 - Ngày 09/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Ngày 09/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã thay mặt Thủ tướng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và phát biểu chỉ đạo tại lễ ký gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA giữa Petrovietnam (Việt Nam) và Petronas (Malaysia). 

Nghe tại đây:

Ngày 9/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Cách định danh mới này khẳng định Petrovietnam không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia - mang trong mình sứ mệnh phát triển bền vững, đổi mới công nghệ, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi tên gọi sẽ đảm bảo tổ chức và hoạt động của Tập đoàn phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị, xu hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net Zero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhìn nhận: "Tôi cho rằng việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bây giờ đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, nó không chỉ là cái tên, mà nó thể hiện sự phát triển lớn mạnh không ngừng của Tập đoàn trong suốt 50 năm qua. Nhưng quan trọng hơn là lãnh đạo của Tập đoàn đã xác định được định hướng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới là phải mở rộng ra lĩnh vực khác, nâng tầm lên, không phải chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà kể cả công nghiệp. Và Chính phủ cũng rất tin tưởng Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam sẽ đảm nhận được trọng trách mới của mình trong thời gian tới".

Lễ ký gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA giữa Petrovietnam (Việt Nam) và Petronas (Malaysia) được diễn ra ngay sau đó. Ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA được ký lần đầu tiên ngày 16/02/1989. Trải qua 6 giai đoạn phát triển, với 39 lần cập nhật kế hoạch khai thác, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 02 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 02 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298km. Lưu lượng khai thác hiện tại đạt khoảng 20.000 thùng dầu và khoảng 200 triệu bộ khối khí mỗi ngày - con số thể hiện hiệu quả kỹ thuật vượt trội và sự phối hợp vận hành bền vững.

PM3 CAA là một trong những Dự án đặc biệt, nằm trong khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia Việt Nam - Malaysia, nhưng đã là minh chứng cho sự tin tưởng và hợp tác hiệu quả của 2 nước suốt hơn 30 năm qua với sản lượng khai thác cộng dồn đạt 250 triệu thùng dầu và 43 tỷ mét khối khí, tổng doanh thu hơn 25 tỷ đô la Mỹ, không những chỉ phản ánh tiềm năng mỏ, mà quan trọng hơn, thể hiện năng lực, sự sáng tạo và tinh thần hợp tác hiệu quả của tất cả các bên nhà thầu nói riêng và của hai Quốc gia nói chung.

Ông Lê Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Petrovietnam cho rằng, việc gia hạn hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA giữa Petrovietnam (Việt Nam) và Petronas (Malaysia) sẽ tiếp tục đem lại lợi ích cho cả hai bên: "Lô PM3 CAA còn tiềm năng dầu khí đáng kể. Việc gia hạn Lô PM3 CAA sẽ tạo điều kiện tiếp tục khai thác hiệu quả và thăm dò, mở rộng các tầng vỉa sâu hơn, tận thu tài nguyên và gia tăng trữ lượng, đảm bảo nguồn khí ổn định. Nguồn khí từ Lô PM3 CAA là đầu vào quan trọng cho Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau và an ninh năng lượng khu vực Tây Nam Bộ. Việc gia hạn giúp duy trì nguồn cung liên tục và ổn định trong dài hạn".

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Việc gia hạn PSC tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028 đến 2047 thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí; hướng tới mục tiêu tối ưu khai thác tài nguyên hiện có, đồng thời mở ra cơ hội thăm dò các tầng sâu hơn, kết nối với các mỏ lân cận và quan trọng hơn cả - ứng dụng công nghệ thu gom và giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam đánh giá cao cam kết của hai bên trong việc tiếp tục khai thác một cách hiệu quả tài nguyên, đồng thời là ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và tiến tới phát triển bền vững, và cũng cùng cả hai nước chúng ta thực hiện cam kết chung phù hợp với cam kết chung về phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 và COP28 vừa qua. Tôi cũng rất hoan nghênh tinh thần chủ động đổi mới của các bên trong việc tìm kiếm những mô hình hợp tác mới, từ phát triển Hidro, rồi điện khí, lưu trữ các-bon đến mở rộng chuỗi giá trị trong Asean… Những hướng đi như vậy là rất phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia của Việt Nam cũng như của Malayssia. Đồng thời, góp phần vào hiện thực hóa một tầm nhìn về mạng lưới kết nối năng lượng ở khu vực bền vững và đa phương hơn".

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đề nghị các bên nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nội dung đã cam kết, bảo đảm tiến độ, an toàn và tuân thủ pháp luật Việt Nam và Malaysia. Đặc biệt, cần sớm đẩy nhanh tiến độ thăm dò thẩm lượng các đối tượng tiềm năng còn lại trong Lô PM3-CAA (như Bunga Pakma Nose, Bunga Aster, Bunga Yarrow…), để tận dụng thời cơ đưa vào khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất./.

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận