Thanh Hóa: Vì sao giá vật liệu tăng đột biến?
VOV1 - Trong khi cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, điều tra hoạt động khai thác khoáng sản, tại tỉnh Thanh Hóa giá vật liệu xây dựng đang tăng “chóng mặt”, khiến người dân và doanh nghiệp điêu đứng.

 # PV: em ơi cho anh hỏi, gạch loại 1 - Mai Chữ bây giờ giá thế nào nhi?; Nhân viên: Giá 16 (1600 đồng/viên-PV) anh ạ. PV: Trước anh hỏi có 11 nhỉ. Nhân viên: Vâng, giờ giá lên - 10 ngày lên 3 lần giá, tăng 380 đồng/viên. PV: Nhưng có hàng không em. Nhân viên: Hàng giờ anh mà lấy phải đặt trước em 2 ngày mới có hàng chứ không có hàng. Gạch lên nhưng không có gạch bốc vì nhà máy chia lượng, nhà em 1 ngày được 2,8 vạn gạch, có gạch đâu, nhà máy không ra kịp gạch" - Đó là chia sẻ của chủ 1 đại lý gạch xây dựng tại tỉnh Thanh Hóa ngày 9/4, khi phóng viên trong vai người mua gạch. Người này cũng cho biết là giá vật liệu xây dựng đang tăng cao từng giờ, từng ngày.

        Khảo sát của PV VOV cho thấy, đất san lấp và cát xây dựng cũng đang là những mặt hàng tăng giá mạnh ở Thanh Hóa những ngày này. Trước tháng 3/2025, giá một khối đá xay nghiền bao gồm cả thuế (VAT) chỉ khoảng 180.000 đồng/khối tại mỏ; giá một khối cát bê tông, cát xây bao gồm cả VAT 200.000 đồng/khối tại mỏ. Thế nhưng, hiện nay giá tăng lên rất cao, đá xay nghiền tăng lên có nơi 300.000 đến 320.000 đồng/khối tại mỏ, tùy vào cung đường xa gần; cát tăng lên 350.000 đồng/khối tại mỏ. Nhiều mỏ cát, đá “cháy hàng” do cung không đủ cầu, khiến chuỗi cung ứng, trong đó có bê tông thương phẩm có sử dụng đá, cát bị đứt gãy, ngừng trệ.

        Nguyên nhân việc khan hiếm vật liệu xây dựng như vậy là do các ngành chức năng siết chặt quản lý hoạt động khai thác mỏ, các đoàn thanh, kiểm tra, Công an vào cuộc điều tra một số mỏ vi phạm trong khai thác…

Đơn cử tại huyện Nông Cống - được xem là thủ phủ của mỏ đất san lấp, hiện tại có duy nhất mỏ của Công ty cổ phần xây dựng dân dụng và công trình giao thông ALMA đang hoạt động, 7 mỏ còn lại đều đóng cửa vì những lý do khác nhau. Anh Lê Thành Hưng - một lái xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng cho biết, để mua được xe đất tại mỏ phải dậy từ 3 giờ sáng để xếp hàng, khoảng 7 giờ mới đến lượt vào lấy hàng "Giá đất lên hơn so với năm ngoái 50 giờ lên 60. Mỏ đất giờ đông quá xe ách tắc ra đường, lộn xộn thì chủ mỏ cho xe nghỉ nhiều, ví dụ 1 công ty đăng ký chạy thì chỉ được 3-5 xe, nhưng xe chạy vẫn đông"

         Vật liệu xây dựng khan hiếm, giá tăng cao khiến nhiều dự án đầu tư xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn. Anh Lê Duy Thành - quản lý một doanh nghiệp xây dựng tại Nông Cống, Thanh Hóa cho biết: Vật liệu không mua được, đến hôm qua (8/4) ngừng cung cấp, đất đá với cát. Thứ nhất về giá thì tăng khoảng 150% mà không mua được, mỏ cát trong tỉnh không còn. Tiến độ thì không đạt được vì khi đẩy nhanh tiến độ thì vướng vào vật liệu thì chắc chắn không đạt tiến độ

       

Theo ông Lê Hồng Tới - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống, thực tế phần lớn các mỏ vật liệu đang đang dừng hoạt động phục vụ công tác thanh, kiểm tra: "Đang dừng lại để kiểm tra trữ lượng, kê khai thuế, vừa là một số khai thác không đúng thiết kế mỏ thì đoàn kiểm tra cho dừng lại để làm rõ và xử lý xong thì khi khắc phục mới cho khai thác lại"

        Được biết tỉnh Thanh Hóa vừa kiểm tra tổng thể hơn 300 mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép hoạt động để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa. Hiện các đoàn kiểm tra đã kết thúc kiểm tra, nhưng chưa có kết luận cụ thể. Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình thanh, kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xác minh làm rõ: "Sẽ tổng hợp toàn bộ sai phạm trong khai thác khoán sản của các chủ mỏ để xử lý, đồng thời yêu cầu khắc phục, đề nghị các chủ mỏ báo cáo về sở NN và MT khi khắc phục xong, nếu có dấu hiệu chúng tôi sẽ chuyển cơ quan điều tra"

        Mới đây, cơ quan điều tra yêu cầu 12 doanh doanh nghiệp liên quan đến các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải cung cấp hồ sơ để điều tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Một số đối tượng đã bị bắt liên quan đến sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

        Thanh Hóa là tỉnh có nguồn tài nguyên khán sản làm vật liệu xây dựng đa dạng, phong phú. Thực tế hoạt động khai thác những năm qua có nhiều bất cập. Việc rà soát thanh kiểm tra, lập lại trật tự quản lý ít nhiều tác động đến hoạt động xây dựng trên địa bàn, tuy nhiên việc siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản là cần thiết nhằm hạn chế thất thoát tài nguyên nhà nước./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận