Cục Dự trữ liên bang Mỹ hồi tuần này đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu Thomas Laubach lần thứ 2 vốn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chiến lược, công cụ và truyền thông chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ. Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, FED cần xem xét lại các yếu tố then chốt về việc làm và lạm phát trong chính sách tiền tệ, dựa trên tình trạng lạm phát những năm gần đây và nguy cơ gia tăng tần suất các cú sốc trong tương lai.
“Cơ cấu của nền kinh tế thay đổi theo thời gian, và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, chiến lược, công cụ cũng như cách thức truyền đạt cần phải thích ứng theo. Những thách thức trong thời kỳ Đại suy thoái khác với những thách thức trong thời kỳ lạm phát lớn và ổn định lớn, và những thách thức đó lại khác với những gì chúng ta đang đối mặt ngày nay. Một khuôn khổ chính sách cần phải đủ vững chắc để thích ứng với nhiều điều kiện khác nhau, nhưng đồng thời cũng cần được cập nhật định kỳ khi nền kinh tế và sự hiểu biết của chúng ta về nó phát triển."

Những phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed cho thấy ngân hàng trung uong quyền lực nhất thế giới có thể sắp có sự điều chỉnh mạnh mẽ đối với chiến lược hiện tại. Giới quan sát kỳ vọng FED có thể chuyển hướng sang chiến lược ưu tiên kiểm soát lạm phát rõ rệt hơn, thay vì tập trung mạnh vào thị trường lao động như giai đoạn hậu đại dịch. Bên cạnh đó, FED cũng có kế hoạch cải thiện cách thức truyền thông nhằm tăng cường sự minh bạch và hiểu biết về định hướng chính sách cũng như các yếu tố bất định liên quan.
Trong lần cập nhật gần đây nhất năm 2020, FED đã cam kết sẽ duy trì lạm phát ở mức trung bình 2% và có thể linh hoạt để bù đắp cho giai đoạn lạm phát thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cách tiếp cận này có thể không còn phù hợp. Mặc dù những thay đổi trong khung chính sách không tác động trực tiếp đến quyết định lãi suất trong ngắn hạn, nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến định hướng dài hạn của FED và cách thị trường tài chính toàn cầu phản ứng với các tín hiệu từ ngân hàng trung ương Mỹ.
Một câu hỏi lớn đối với FED trong quá trình đánh giá khuôn khổ năm 2025 là liệu các quan chức có nên quay lại cách tiếp cận truyền thống hơn đối với mục tiêu lạm phát hay không, trong đó luôn hướng tới mức tăng trưởng giá cả hàng năm là 2% thay vì mục tiêu linh hoạt như đã áp dụng vào năm 2020. Sự thận trọng với lạm phát là một lý do khiến FED tới nay vẫn tránh đưa ra những kết luận nhanh chóng về tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với nền kinh tế. FED đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức từ 4,25% tới 4,5% trong liên tiếp các cuộc họp chính sách gần đây./.
Thu Hoài/VOV1
Bình luận