Truyền thông châu Âu cho biết các Bộ trưởng ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi giao tranh kết thúc và tiếp tục gây sức ép trừng phạt đối với Nga.
Đa số các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ việc duy trì áp lực lên Nga trong bối cảnh xung đột căng thẳng hiện nay. Đó cũng là lý do gói trừng phạt thứ 17 và các công cụ gây áp lực khác sẽ là một phần trong cuộc thảo luận trong ngày 14/4 tại Bỉ. Các bên cũng sẽ đánh giá và đưa vấn đề về việc gia nhập EU của Ukraine, kể cả trường hợp Hungary tiếp tục cản trở các cuộc đàm phán về việc hỗ trợ cho Ukraine.
Một số nguồn tin từ báo chí phương Tây cũng cho biết một vấn đề quan trọng khác sẽ được đề cập là đề xuất của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, Kaja Kallas, về việc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, cụ thể là kế hoạch cung cấp 2 triệu quả đạn pháo trị giá 5 tỷ euro.

Hội đồng châu Âu cũng sẽ xem xét các đề xuất của Liên minh các bên tự nguyện do Pháp và Anh đứng đầu về việc triển khai một phái bộ giám sát tới Ukraine sau bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trong tương lai nhằm đảm bảo việc tuân thủ và cung cấp một sự bảo đảm an ninh lâu dài cho Kiev. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao của Nga tuyên bố liên minh tự nguyện vì Ukraine không thể gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình vì được huy động từ các quốc gia không trung lập và đã công khai đứng về phía Ukraine. Bên cạnh đó, Nga cũng cảnh báo động thái này sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng hiện nay và có thể biến các quốc gia liên quan thành bên tham chiến tại Ukraine.
Giới phân tích cho rằng một số nước châu Âu chỉ sẵn sàng tham gia sứ mệnh quân sự tại Ukraine nếu được bật đèn xanh từ Washington. Trong khi đó, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh chia sẻ Liên minh tự nguyện vì Ukraine do Pháp và Anh dẫn đầu đã không đưa ra được một kế hoạch rõ ràng về việc duy trì trật tự sau khi chấm dứt chiến sự tại Ukraine./.
Hải Đăng - VOV Praha/TT SÉC
Bình luận