Đảng của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina bị cấm hoạt động tại Bangladesh
VOV1 - Chính phủ lâm thời Bangladesh vừa ban hành lệnh cấm toàn diện đối với đảng Liên đoàn Awami, đảng của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Lệnh cấm được đưa ra với cáo buộc liên quan đến các tội ác chống lại loài người trong cuộc đàn áp biểu tình năm 2024.

Trong cuộc họp báo sáng 11/5 tại thủ đô Dhaka, cố vấn pháp lý của chính phủ, ông Asif Nazrul cho biết mọi hoạt động của đảng Liên đoàn Awami, bao gồm cả tuyên truyền, tổ chức, vận động và truyền thông qua mạng xã hội, đều bị cấm theo Đạo luật Chống khủng bố hiện hành. Ông khẳng định “Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài cho đến khi các phiên tòa xét xử lãnh đạo đảng này hoàn tất, nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia, an toàn cho nhân chứng và bảo vệ công lý cho các nạn nhân”.

Lệnh cấm được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng nghìn người biểu tình tập trung trước dinh thự của Cố vấn trưởng của Chính phủ lâm thời Mohammed Yunus ở  Thủ đô Dhaka, yêu cầu hành động cứng rắn hơn với đảng của bà Hasina, người đang sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ khi bị lật đổ vào giữa năm 2024. Trước đó, ngày 9/5, ông Abdul Hamid, một cựu lãnh đạo cấp cao của đảng Liên đoàn Awami, đã rời khỏi đất nước trong lúc đang bị điều tra, khiến ba sĩ quan cảnh sát phụ trách giám sát sân bay bị sa thải vì thiếu trách nhiệm.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có khoảng 1.400 người biểu tình đã thiệt mạng vào tháng 7/2024 khi chính quyền của cựu Thủ tướng Hasina phát động các cuộc trấn áp quy mô lớn. Sự kiện này bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc bà Hasina bị phế truất, mở đường cho chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus lãnh đạo.

Không chỉ cấm hoạt động của đảng Liên đoàn Awami, Chính phủ lâm thời Bangladesh còn thông qua việc sửa đổi Đạo luật Tòa án Tội phạm Quốc tế. Theo đó, lần đầu tiên cho phép truy tố các chính đảng và tổ chức liên kết nếu bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng quyền con người hoặc luật pháp quốc tế. Động thái này đánh dấu bước ngoặt trong chính sách pháp lý của Bangladesh, vốn trước đây chủ yếu tập trung vào các cá nhân chứ không nhắm đến tổ chức đảng phái.

Đáp lại, đảng Liên đoàn Awami đã lập tức bác bỏ lệnh cấm, gọi đây là hành động “bất hợp pháp, vi hiến và mang động cơ chính trị rõ ràng”. Một người phát ngôn của đảng này tuyên bố: “Chính phủ lâm thời đang lạm dụng quyền lực để loại bỏ phe đối lập, thay vì tiến hành cải cách dân chủ đúng nghĩa”.

Hiện bà Sheikh Hasina vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức, song giới quan sát cho rằng bà có thể sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp, trong bối cảnh nhiều tổ chức cũng bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra “trả đũa chính trị”. Trong khi đó, Cố vấn trưởng Chính phủ lâm thời Muhammad Yunus vẫn khẳng định mục tiêu của chính phủ lâm thời là “thiết lập lại nền dân chủ, chấm dứt bạo lực chính trị và đưa những kẻ vi phạm luật pháp ra trước công lý”.

Bangladesh hiện vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị sau khủng hoảng, và các quyết định như lệnh cấm với đảng Liên đoàn Awami có thể làm sâu sắc thêm chia rẽ chính trị, đồng thời ảnh hưởng lâu dài đến ổn định và đối thoại quốc gia./.

 Lê Dũng/VOV Ấn Độ

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận