Với mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là điện gió sẽ đóng góp khoảng 35% lượng điện vào năm 2035, các quốc gia trong khu vực đang có những bước tiến trong việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Nhưng các nhà phát triển lo ngại rằng việc xây dựng đã bị chậm lại trong vài năm qua khi lĩnh vực điện gió ngoài khơi phải đối mặt với rủi ro và hạn chế nhất định. Một số yếu tố làm ảnh hưởng tới điều này bao gồm lạm phát, chi phí cao, khả năng thương mại suy giảm và niềm tin của nhà đầu tư thấp hơn.
Để đảo ngược xu hướng bất lợi này, các nhà phát triển tại hội nghị thượng đỉnh WindEurope năm nay muốn các chính phủ EU đấu giá ít nhất 100GW giá trị Hợp đồng chênh lệch trong mười năm. Thông qua cuộc đấu giá, các chính phủ nên đảm bảo mức giá cố định và hợp đồng được lập để tạo ra các dự án có khả năng vay vốn.
Ngoài ra, các nhà phát triển trang trại gió muốn các nước lập kế hoạch có thời hạn đưa vào vận hành một mức đồng đều, như dao động ở mức 10GW hàng năm từ năm 2031-2040. Điều này sẽ giúp tạo ra khả năng dự đoán thị trường, đồng thời đảm bảo có đủ thời gian cho các khoản đầu tư cho tương lai. Các biện pháp này được hỗ trợ bởi các thỏa thuận mua điện và sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi châu Âu đạt được 15GW hàng năm vào năm 2030.
Một trong những thách thức đáng chú ý được xác định đối với khả năng cạnh tranh là giá điện cao ở một số nước châu Âu. Trong báo cáo được công bố tuần này, WindEurope cho biết giá điện cao là do thuế và phí, làm chậm quá trình điện khí hóa dựa trên năng lượng tái tạo và làm suy yếu việc sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp./.
Hải Đăng - VOV Praha/TT SÉC
Bình luận