Phát biểu trên CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick một lần nữa bảo vệ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump khi tuyên bố đây sẽ là sự sắp xếp lại thương mại công bằng. Các nước sẽ phải thay đổi các quy tắc của mình để cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, cũng như nhằm giảm bớt tác động của các mức thuế này. Tuy nhiên, ông Lutnick cũng nhấn mạnh, Mỹ vẫn đang đàm phán với tất cả các quốc gia lớn trên thế giới trong suốt 1 tháng qua:
“Chúng ta phải cùng nhau tìm ra giải pháp. Nhưng điều bạn thấy sẽ thuế xuất giảm, thấy tất cả các thị trường toàn cầu mở cửa cho ngành nông nghiệp của Mỹ, cho những người chăn nuôi, cho ngư dân của Mỹ. Bạn sẽ thấy sản lượng của Mỹ bắt đầu tăng và cuối cùng là công bằng.”
Trong thông báo hôm 2/4, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ áp dụng mức thuế chung 10% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào nước này, đồng thời công bố danh sách các mức thuế đối ứng khác đối với từng đối tác thương mại. Động thái thể hiện một bước tiến nữa trong chiến lược của Tổng thống Donald Trump nhằm mở thêm thị trường cho các sản phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại mức thuế quan sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu gây tổn hại và làm tăng lạm phát trong bối cảnh có dấu hiệu nền kinh tế chậm lại.
Các chính phủ đang tìm biện pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Bên cạnh thuế trả đũa, nhiều quốc gia cũng đang xúc tiến đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Theo Thủ tướng Anh Keir Starmer nước này sẽ có "cách tiếp cận bình tĩnh" đối với mức thuế 10% của Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu của nước này:
“Chúng tôi đang có cách tiếp cận bình tĩnh, hành động vì lợi ích quốc gia. Và lợi ích quốc gia là tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận với Mỹ. Theo quan điểm của tôi, một cuộc chiến thương mại không có lợi cho bất kỳ ai. Nhưng tất nhiên chúng ta phải tự bảo vệ mình và đó là lý do tại sao chúng ta giữ mọi lựa chọn trên bàn đàm phán.”
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh:
"Đức và châu Âu tiếp tục ủng hộ thương mại tự do. Chúng tôi tập trung vào hợp tác, không phải đối đầu. Và chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình. Châu Âu sẽ phản ứng với quyết định của Mỹ theo cách thống nhất, mạnh mẽ và phù hợp."
Trước đó cùng ngày Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết châu Âu "đã chuẩn bị ứng phó" với mức thuế quan 20% mà Mỹ áp với khối này, trong khi gọi đây là "đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới". Dự kiến, trong ngày hôm nay, Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic sẽ thảo luận với các quan chức Mỹ về vấn đề thuế quan.
Còn tại châu Á, Bộ Ngoại giao Indonesia, nước này đã quyết định cử một đoàn đại biểu cấp cao đến Mỹ để trực tiếp đàm phán về vấn đề thuế quan. Mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với Indonesia là 32%. Campuchia, quốc gia Đông Nam Á bị áp thuế tới 49% cho rằng mức thuế này là "không hợp lý”, không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành dệt may, mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này. Với mức thuế đối ứng 34%, Trung Quốc yêu cầu Mỹ "ngay lập tức hủy bỏ" các biện pháp thuế quan như vậy, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả song cho biết vẫn duy trì kênh liên lạc với Washington để sớm giải quyết vấn đề này. Ngoại trưởng các nước Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận về tác động của các biện pháp thuế mới./.
Thu Hoài/VOV1
Bình luận