Anh – Đức ký thỏa thuận lịch sử “cài đặt” lại quan hệ hậu Brexit-củng cố “lõi”chính trị của châu Âu
VOV1 - Anh và Đức vừa chính thức ký kết một Hiệp ước Hữu nghị Toàn diện mang tính bước ngoặt tại thủ đô London (Anh), đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia thiết lập một thỏa thuận quốc phòng kể từ sau Thế chiến 2.

Hiệp ước được ký kết giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Đức Friedrich Merz đánh dấu lần đầu tiên hai nước thiết lập cơ chế hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực quốc phòng, với tuyên bố chung nhấn mạnh rằng “mọi mối đe dọa chiến lược đối với một bên cũng sẽ được coi là mối đe dọa đối với bên còn lại”. Đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm củng cố năng lực phòng vệ tự chủ của châu Âu. Hiệp ước xác định các yếu tố gây bất ổn khu vực là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh chung, đồng thời đặt nền móng cho hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực then chốt như chính sách đối ngoại, an ninh mạng, kiểm soát biên giới và phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Hiệp ước mới sẽ bổ sung cho liên minh quân sự hiện tại, nhưng không thay thế vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiệp ước bao gồm thỏa thuận hợp tác phát triển một hệ thống tên lửa tầm xa mới, thúc đẩy các chiến dịch xúc tiến xuất khẩu chung và từng bước dỡ bỏ các rào cản thương mại liên quan đến quốc phòng giữa hai nước. Hai bên cũng cam kết tăng cường phối hợp nhằm triệt phá các mạng lưới buôn người và tội phạm xuyên quốc gia.

Phát biểu sau lễ ký kết, Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi đây là “hiệp ước chưa từng có tiền lệ”, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương và mở ra giai đoạn hợp tác an ninh - quốc phòng mới giữa hai nước: “Chúng ta đã cùng nhau ký kết Hiệp ước Kensington, hiệp ước song phương quan trọng đầu tiên giữa Vương quốc Anh và Đức. Đây là sự thể hiện mục tiêu và giá trị chung của hai nước. Nhưng hơn thế nữa, đây là một kế hoạch làm việc thực tế, đặt ra 17 dự án lớn mà Anh và Đức sẽ cùng nhau thực hiện để mang lại những kết quả thực sự, cải thiện cuộc sống của người dân. Một hiệp ước lịch sử, một tuyên bố về mục tiêu và tham vọng.”

Về phần mình, Thủ tướng Đức Friedrich Mers khẳng định:"Cá nhân tôi vô cùng tiếc nuối khi Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên minh Châu Âu. Nền tảng cấu trúc an ninh châu Âu bị lung lay, và quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang thay đổi theo những cách chưa từng thấy trong một thời gian dài. Trong những điều kiện mới này, chúng tôi muốn đảm bảo tự do, an ninh và thịnh vượng cho cả hai quốc gia chúng ta bằng hiệp ước mà hai bên đã ký kết hôm nay."

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh hiệp ước kể trên là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của châu Âu nhằm tăng cường khả năng tự vệ và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh những bất ổn về cam kết của Mỹ đối với NATO dưới thời Tổng thống Donald Trump. Một nhà ngoại giao cấp cao EU nhận định hiệp ước mới sẽ giúp "tăng cường các mắt xích riêng lẻ" trong mạng lưới quan hệ châu Âu. Việc Đức có được một điều khoản hỗ trợ lẫn nhau với Anh (một cường quốc hạt nhân châu Âu) được xem là phù hợp với mục tiêu của Thủ tướng Đức Friedrich Merz trong việc tăng cường năng lực răn đe của châu Âu. Ông Vladislav Belov, Phó Giám đốc Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định rằng mục tiêu của Đức là chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Nhiều chuyên gia cũng có chung quan điểm cho rằng, cùng với Tuyên bố Northwood giữa Pháp và Anh về phối hợp răn đe hạt nhân, Hiệp ước mới giữa Anh - Đức đang dần hình thành một "tam giác" chiến lược quan trọng giữa Pháp, Anh và Đức.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận