Vợ chồng chị Sunee Laomanee là người dân trên đảo Koh Si-chang (tỉnh Chonburi – Thái Lan) gắn bó với nghề đi biển đã nhiều năm. Hoạt động đánh bắt cá mấy năm nay khó khăn lại khó tiêu thụ nên chị Sunee đã mày mò, tìm hiểu các kênh bán hàng qua mạng xã hội.
Băng: Chúng tôi bán qua Facebook và gửi hàng qua bưu điện đi toàn quốc. Chúng tôi vận chuyển bằng bưu điện, phà hoặc ở bến tàu Sriracha, họ sẽ đưa xe đến để lấy hàng và bán tiếp.
Các loại hải sản của vợ chồng chị Sunee Laomanee chủ yếu được đánh bắt trong ngày nên luôn tươi ngon. Tùy theo dòng chảy của con nước mà sản lượng hải sản đánh bắt được dao động từ 30 – 40 kg. Nếu biển êm và thuận lợi, sản lượng đánh bắt có thể lên tới 50 – 60 kg. Đối tượng đánh bắt chính của vợ chồng chị Sunee Laomanee là cá bè xước, cá vược và cá thu ngừ. Vì là bán qua mạng xã hội nên chất lượng và việc đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm được vợ chồng chị Sunee rất chú trọng. Hiện nay, lượng khách hàng biết đến và đặt mua hải sản của vợ chồng chị Sunee ngày càng đông.
Không chỉ hỗ trợ chồng đi đánh bắt, chị Sunee còn tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức nấu ăn để có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau từ nguồn hải sản khai thác được. Thỉnh thoảng, Sunee sẽ tổ chức livestream để khách xem trực tuyến cách chị chế biến món ăn. Mọi thứ đều tươi ngon. Cách bán hàng như vậy đã giúp vợ chồng chị Sunee Laomanee có nguồn thu nhập ổn định để duy trì nghề truyền thống, cải thiện sinh kế và lo cho con cái học hành.
Băng: Chúng tôi sống được là vì chúng tôi bán với giá hợp lý, đủ để nuôi gia đình và cho con cái đi học. Chúng tôi không cần lợi nhuận quá lớn, chỉ cần có công việc làm, không phải làm thuê cho ai cả, chúng tôi làm theo hệ thống gia đình. Vào ngày nghỉ, con cái chúng tôi cũng đi biển cùng. Con tôi học ở Bangkok.
Hơn 3h sáng, khi phần lớn người dân trên đảo Koh Si-chang đang chìm trong giấc ngủ thì bà Phanomwan Punthavikirtikan bắt đầu công việc thu mua hải sản ngoài cảng cá. Trước đây, gia đình bà Phanomwan có tàu đánh bắt nhưng đành bỏ nghề vì tuổi cao và không có người làm. Bán tàu cá, vợ chồng bà Phanomwan chuyển sang nghề thu mua và sơ chế hải sản để bán cho người dân trên đảo và khách du lịch. Đây là nghề truyền thống của gia đình bà Phanomwan cả trăm năm nay. Nhiều người dân trên đảo không có nghề nghiệp cố định được vợ chồng bà Phanomwan thuê làm công việc sơ chế hải sản. Đối tượng thu mua chính của vợ chồng bà Phanomwan là cá mực. Sau khi thu mua mực từ cảng cá, bà Phanomwan sẽ cho người tiến hành sơ chế rồi đem đi phơi trước khi đóng gói vào túi “một nắng”. Công việc này giúp một bộ phận người dân trên đảo có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Băng: Mực này là mực tươi, sau khi sơ chế xong thì chúng tôi trả 300 baht cho mỗi người làm một ca. Việc lột mực thì tuỳ vào nhiều hay ít, tính riêng từng người – cũng phải trên 100 baht, tùy số lượng. Khi thu gom mực khô, chúng tôi lại trả thêm một lần nữa để họ có thu nhập, có thể mưu sinh.
Theo chia sẻ của người dân trên đảo, công việc này đòi hỏi sự chịu đựng rất cao vì phải ngồi cả ngày dưới nắng nóng, không được đi đâu và phải chạy đua với thời gian để làm mực nhanh. Những người làm công việc này thường đã gắn bó từ rất sớm và muốn nối nghiệp gia đình, còn giới trẻ trên đảo thì hầu như không còn ai làm nữa.
Công việc thu mua và sơ chế hải sản theo phương pháp truyền thống đem lại cho vợ chồng bà Phanomwan Punthavikirtikan lợi nhuận khoảng 100.000 bath/tháng (tương đương gần 80 triệu đồng) sau khi trừ các chi phí. Gia đình bà Phanomwan có 4 người nhưng hiện tại con cái đã có công việc khác và đều đi làm ăn xa. Dù đang cố gắng thay đổi cách làm để duy trì nghề truyền thống nhưng đây là công việc cực nhọc nên bà Phanomwan Punthavikirtikan không biết trong tương lai sẽ ra sao.
Băng: Có ngày chúng tôi mua hàng cả ngàn ký, nên phải dậy thật sớm để gọi người làm đến hỗ trợ. Công việc vẫn tiếp tục nhưng chỉ đến thế hệ chúng tôi thôi, vì con cái đều có việc làm riêng. Tôi cũng không muốn chúng nó vất vả như mình. Nhưng nếu họ hàng hay người thân muốn tiếp quản thì tôi cũng sẽ sẵn lòng. Dù vậy, tôi nghĩ nghề này chắc sẽ không bị bỏ hẳn – đó là dự đoán của tôi.
Ngư trường bị thu hẹp và sản lượng hải sản suy giảm khiến nhiều ngư dân trên đảo Koh Si-chang quyết định bán tàu cá để chuyển sang làm công việc khác. Một số ngư dân lành nghề thì đã lớn tuổi phải bỏ nghề vì không có người tiếp nối. Hiện tại, trên đảo Koh Si-chang còn khoảng gần 60 tàu đánh bắt gần bờ của hơn 50 hộ gia đình. Để hỗ trợ ngư dân duy trì nghề khai thác truyền thống, Sở Thủy sản tỉnh Chonburi đã cử cán bộ ngư nghiệp ra thường trực tại huyện đảo Koh Si-chang.
Chị Siyamon Thianngam cán bộ thủy sản huyện đảo Koh Si-chang cho biết, ngành thủy sản địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ và đồng hành cùng thay đổi cách làm để duy trì nghề truyền thống.
Băng: Chúng tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về nghề cá và luật pháp liên quan. Ví dụ như kích thước mắt lưới do Cục Thủy sản quy định là từ 9 cm trở lên. Đây là ngư nghiệp mang tính bảo tồn. Ví dụ, cua bắt được phải là cua lớn, cua đang mang trứng thì sẽ mang về "ngân hàng cua biển" để bảo tồn. Nghề cá ở đây được thực hiện theo hướng bảo tồn sinh thái. Các luật lệ thay đổi sẽ được phổ biến thường xuyên bởi cán bộ ngư nghiệp.
Những nỗ lực của cộng đồng ngư dân, sự đồng hành từ chính quyền và ngành thuỷ sản địa phương có thể giúp nghề khai thác truyền thống ở Koh Si-chang được bảo tồn và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Một số dự án đang được triển khai như nuôi cấy san hô nhân tạo, phát triển khu nuôi cá tự nhiên cùng nhiều loài sinh vật khác sẽ giúp nguồn lợi hải sản trên đảo Koh Si-chang phát triển bền vững, từ đó duy trì sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng ngư dân bản địa./.
Bình luận