Chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao của ĐH Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành một số chương trình, đề án quan trọng nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, chuẩn quốc tế. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU) sẽ tuyển chọn khoảng 300 ứng viên là học sinh, sinh viên để đào tạo, bồi dưỡng trở thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao trong tương lai.
Tiêu chuẩn tuyển chọn không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn yêu cầu ứng viên có năng lực ngoại ngữ tốt, tư duy phản biện sắc bén, khả năng nghiên cứu độc lập và cam kết gắn bó lâu dài với nhà trường. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên hỗ trợ các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu tinh thần vượt khó và nguyện vọng cống hiến cho khoa học.
Lộ trình đào tạo được thiết kế cá nhân hóa tối ưu, bao gồm các chương trình bồi dưỡng trong và ngoài nước, hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu danh tiếng như Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Paris-Saclay (Pháp), Đại học KU Leuven (Bỉ), Đại học Arizona (Mỹ), Học viện Ngoại giao Moskva (Nga), cùng nhiều đối tác quốc tế khác. Đây là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái ươm mầm trí tuệ trẻ, chuẩn bị lực lượng kế thừa cho các lĩnh vực trọng điểm như khoa học cơ bản, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, y sinh học và kinh tế số.
Về chính sách đãi ngộ, chương trình mang tính đột phá khi ký hợp đồng đào tạo chính thức ngay từ đầu với các ứng viên, đảm bảo cam kết và trách nhiệm rõ ràng giữa hai bên. Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ toàn diện về học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập, nghiên cứu trong và ngoài nước, tương đương với các chương trình học bổng quốc tế uy tín. Bên cạnh đó, ứng viên được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm, hỗ trợ học ngoại ngữ, chỗ ở và tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại, các phòng thí nghiệm trọng điểm. Sau khi hoàn thành chương trình, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, ứng viên được tuyển dụng chính thức vào vị trí giảng viên, nghiên cứu viên của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Cùng với lộ trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng ban hành Đề án “Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế”. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, trường tập trung phát triển đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có ít nhất 4 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, qua đó, tăng số lượng công bố quốc tế lên khoảng 400-500 bài so với năm 2023. Giai đoạn 2026-2030, đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế và lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế. Mục tiêu công bố quốc tế trung bình đạt 1,8 bài báo mỗi giảng viên, phát triển câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng.
Tính đến hết năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội có 2.730 là giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu. Trong đó, 65,4% có trình độ tiến sĩ, 32,8% là thạc sĩ. Các nhà khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội công bố 1.711 bài báo quốc tế. Theo thống kê, năm 2024, số công bố quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội cao hơn năm trước khoảng 17,06%.
Việc ban hành chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học được VNU kỳ vọng sẽ giúp phát triển đội ngũ kế cận có trình độ cao, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, làm nòng cốt cho các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, lĩnh vực ưu tiên chiến lược của đại học này.
Bình luận