Mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: cơ hội và thách thức
VOV1 - Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng mở ra cả cơ hội và thách thức đối với ngành sầu riêng của Việt Nam.

Mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: cơ hội và thách thức

          Minh Long – VOV1 22/5

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng mở ra cả cơ hội và thách thức đối với ngành sầu riêng của Việt Nam. Phóng viên Minh Long phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này?

Ông Huỳnh Tấn Đạt: Sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam luôn đem lại kim ngạch tăng trưởng cũng như nâng cao đời sống cho bà con nông dân trong thời gian qua. Như chúng ta biết từ ngày 20/5/2025 phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức thông báo tiếp tục phê duyệt, bổ sung cho Việt Nam 829 mã số vùng trồng đối với sầu riêng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang phía Trung Quốc, đây là tín hiệu mừng. Với tổng số mã vùng trồng sầu riêng của Việt Nam hiện nay là 1 nghìn 396 mã và 188 mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Phóng viên: Kết quả này có được là nhờ đâu, thưa ông?

Ông Huỳnh Tấn Đạt: Có được kết quả này, phải kể đến vai trò chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp là lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo quyết liệt để Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, chính quyền địa phương và các Hiệp hội ngành hàng cũng như người nông dân để có giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và hệ thống truy xuất đối với sản phẩm sầu riêng trong thời gian qua. Đây cũng là kết quả của quá trình làm việc chặt chẽ chủ động giữa Bộ Nông nghiệp Môi trường Việt Nam với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm bao gồm cả các yêu cầu mới về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các kim loại nặng Cadimi và Vàng O trong trái sầu riêng.

Phóng viên: Những yêu cầu cụ thể trong Nghị định thư ký với Trung Quốc là gì, và theo ông điều gì là quan trọng nhất để duy trì xuất khẩu sầu riêng bền vững theo Nghị định thư đã ký kết, thưa ông?

Ông Huỳnh Tấn Đạt: Việc mở rộng danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng không chỉ tạo điều kiện để tăng trưởng sản lượng xuất khẩu sầu riêng trong mùa vụ 2025 mà còn góp phần giảm áp lực đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phê duyệt và đang xuất khẩu hiện nay. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam để duy trì thị trường một cách bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận