Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ giảm đói nghèo nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường chiều sâu cải cách thể chế, đồng thời thúc đẩy mô hình phát triển xanh. Đây là kết luận được đưa ra trong hai báo cáo về đột phá thể chế và tăng trưởng xanh hướng tới tương lai bền vững do Ngân hàng thế giới thực hiện, công bố sáng nay tại Hà Nội. Phản ánh của nhóm PV Anh Thư - Đại Dương.
Phát biểu khai mạc lễ công bố hai báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính, cho biết: "Đảng và Nhà nước đang dành ưu tiên cao nhất cho cải cách thể chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, phân cấp, phần quyền, gắn với phân bổ nguồn lực, tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít rào cản. Về tăng trưởng xanh, Việt Nam cam kết mục tiêu net zero vào 2050, nhưng con đường hướng tới mục tiêu không hề dễ dàng. Chính vì vậy, những nghiên cứu báo cáo chuyên sâu như thế này có vai trò quan trọng, ko chỉ phân tích thách thức mà còn đưa ra khuyến nghị chính sách thiết thực để Việt Nam có thể chuyển đổi xanh,tăng cường hành chính công, trên con đường tới tương lai bền vững."
Đồng tình với quan điểm này, bà Mariam Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia, Lào, nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, cần thành công ở những khía cạnh mà nhiều quốc gia khác từng thất bại. Tính đến nay, chỉ có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Tuy nhiên, bà Mariam Sherman cũng cho rằng, Việt Nam hiện đã có sẵn lợi thế, chính là nền tảng phát triển vững chắc trong 4 thập kỷ qua, kể từ thời kỳ Đổi mới.
"Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng và giảm nghèo đáng chú ý. Kinh tế phát triển nhanh chóng, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tỷ lệ đói nghèo cùng cực giảm từ một nửa dân số xuống chỉ còn 1%. Đây cũng là một trong những mức giảm đói nghèo nhanh nhất trong lịch sử. Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã sát cánh cùng Việt Nam, cung cấp các dịch vụ cho vay và các gói hỗ trợ để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển. Và với hai báo cáo về đột phá thể chế và tăng trưởng xanh, chúng tôi cũng đưa ra các phân tích về diễn biến toàn cầu, thảo luận các điểm mạnh và thách thức của Việt Nam, nhằm đưa ra các hỗ trợ đầy đủ về chính sách để phục vụ quá trình chuyển đổi công bằng."

Tại sự kiện, các đại biểu trao đổi về các nội dung đề cập trong hai báo cáo. Báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao”và Báo cáo “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”. Cả hai báo cáo này đưa ra tập hợp khuyến nghị chính sách cho giai đoạn nước rút 2026-2030 để xây dựng nền tảng con đường hướng tới tương lai thu nhập cao của Việt Nam./.
Anh Thư - Đại Dương
Bình luận