Đây là khẳng định của Đại sứ Australia tại Việt Nam Gillian Bird khi chia sẻ với PV VOV về những tiềm năng và triển vọng phát triển quan hệ song phương, sau hơn một năm hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đại sứ Gillian Bird chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam vào ngày 24/4/2025. Trước đó, bà là Đại sứ Australia tại Pháp (2020-2024), Đại sứ và Đại diện thường trú của Australia tại Liên Hợp Quốc (2015-2019), Đại sứ đầu tiên của Australia tại ASEAN (2008-2013).
PV: Thưa Đại sứ, tiếp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác song phương sau hơn 1 năm kể từ dấu mốc quan trọng này?
Đại sứ: Tôi thực sự may mắn khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt Nam-Australia chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một cột mốc quan trọng cho thấy cả hai bên đều coi nhau là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Mối quan hệ này dựa trên niềm tin chiến lược, chia sẻ kỳ vọng chung về tương lai phát triển khu vực; trong đó bao gồm nhiều trụ cột nổi bật như biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Mối quan hệ này cũng củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống như quốc phòng, an ninh, kinh tế và giáo dục.

Tôi cho rằng, quan hệ Việt Nam-Australia đang tốt đẹp nhất từ trước tới nay, được xây dựng dựa trên trên ba trụ cột lớn: hợp tác phát triển và giáo dục - một trong những trụ cột bền vững nhất trong quan hệ song phương; quan hệ kinh tế đang được mở rộng đáng kể và quốc phòng-an ninh. Tất cả đều được củng cố bởi sợi dây kết nối chặt chẽ giữa người dân hai nước. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang đứng trước rất nhiều biến động, thách thức khó lường như hiện nay. Và bản thân tôi thực sự thấy rất vui mừng khi được đóng góp vào mối quan hệ này.
PV: Thưa Đại sứ, hợp tác kinh tế là lĩnh vực then chốt trong quan hệ Việt Nam-Australia, với các mục tiêu chung như trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau hay tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Đại sứ có thể chia sẻ những chương trình phát triển và các hình thức hợp tác mà Australia đã và đang triển khai để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này?
Đại sứ: Cần khẳng định, quan hệ thương mại và kinh tế song phương đang phát triển mạnh mẽ. Tôi tin rằng, Australia hiện nằm trong top 10 đối tác hàng đầu của Việt Nam, và ở chiều ngược lại, điều này chắc chắn cũng có thể đạt được, bởi thương mại hai nước khá cân bằng, với dòng xuất khẩu hàng hoá - dịch vụ hai chiều rất tích cực. Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển và thịnh vượng, bởi sự thịnh vượng và ổn định của Việt Nam cũng góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định của Australia. Chúng tôi đang hỗ trợ các bạn hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0.
Vài năm trước, chính phủ Australia triển khai một chiến lược kinh tế mới cho khu vực Đông Nam Á với tên gọi: “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040”. Và Việt Nam các bạn là một trọng tâm trong chiến lược này. Đến nay, chúng tôi đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam, hỗ trợ thành lập Nhóm Giao dịch đầu tư đặt tại TP.Hồ Chí Minh với vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Australia. Chúng tôi cũng thành lập Quỹ Tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân của Australia đầu tư vào Việt Nam và khu vực. Chúng tôi còn lập một trung công nghệ khu vực đặt tại TP.HCM để kết nối các lĩnh vực đổi mới, số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Chính phủ Australia đang thúc đẩy hợp tác khu vực tư nhân, và chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội - từ chuyển đổi năng lượng xanh đến khai khoáng và tài nguyên; giáo dục, nông nghiệp và thực phẩm. Cả hai nước đều là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn và đều đang đối mặt với thách thức khí hậu. Một điểm đặc biệt thú vị là nông nghiệp hai nước mang tính “nghịch mùa” – ví dụ khi Việt Nam thu hoạch xoài thì Australia nhập khẩu; còn khi Australia thu hoạch thì Việt Nam nhập khẩu. Điều này tạo điều kiện tốt cho thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai bên.
Bạn cũng nhắc đến chương trình phát triển. Đúng vậy, Australia đã thực hiện rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực này, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao kỹ năng tại Việt Nam. Chúng tôi là một trong 5 đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam. Nhìn lại 50 năm qua, Australia đã cung cấp hơn 3 tỷ AUD viện trợ cho Việt Nam, tập trung vào tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới và hoà nhập xã hội.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, cả Việt Nam và Australia đều đặt trọng tâm phát triển thương mại, xuất khẩu. Chúng ta đều cùng tham gia 3 Hiệp định thương mại khu vực quan trọng là Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia– New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chúng tôi muốn tiếp tục phát triển các mối quan hệ trong khuôn khổ này cùng Việt Nam, và hợp tác chặt chẽ trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

PV: Thưa Đại sứ, hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Australia có những kế hoạch và chương trình hợp tác nào để đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình này?
# Đại sứ: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam và mong muốn được đồng hành cùng các bạn để cùng thực hiện các mục tiêu đó. Chương trình hợp tác phát triển của chúng tôi hiện đang tập trung rất nhiều vào các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, chúng tôi đã và đang triển khai chương trình Aus4Innovation với ngân sách 33,5 triệu AUD, kéo dài 10 năm tại Việt Nam. Chương trình được khởi động từ năm 2018, được thiết kế rất sát với điều kiện thực tế nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện. Chương trình đã thúc đẩy hơn 80 mối quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp; đào tạo hàng trăm chuyên gia Việt Nam… Mới đây, chúng tôi đã công bố vòng tài trợ lần thứ 5, cung cấp thêm 2 triệu AUD cho các giải pháp công nghệ cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Sắp tới, chúng tôi sẽ khởi động Trung tâm Công nghệ chiến lược Australia-Việt Nam tại thủ đô Hà Nội, tiếp tục thể hiện cam kết trong hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điểm đặc biệt trong cách mà chúng tôi hợp tác là không chỉ giữa 2 chính phủ, mà còn có sự tham gia của khu vực tư nhân và các viện nghiên cứu, trường đại học. Cơ chế hợp tác 3 bên này là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Và Australia tự tin có thế mạnh trong nhiệm vụ kết nối này, nhờ vào nền tảng hợp tác giáo dục lâu đời hơn 25 năm qua. Như Đại học RMIT đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, với hơn 300 chương trình hợp tác giáo dục giữa các cơ sở giáo dục của 2 nước.
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của hợp tác khu vực và quốc tế đối với việc duy trì hòa bình, ổn định; cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này?
Đại sứ: Như tôi đã nói, chúng ta đang trong giai đoạn mà khu vực và toàn cầu đang đối diện nhiều diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, Australia và Việt Nam là những đối tác có cùng mối quan tâm và chí hướng trong cách tiếp cận khu vực. Đối với Australia, an ninh, ổn định và thịnh vượng quốc gia gắn liền với các mối quan hệ trong khu vực và Việt Nam là một đối tác quan trọng. Vì thế, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy một khu vực ổn định, phát triển, hoà nhập, tôn trọng chủ quyền quốc gia và tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này rất tương đồng với Australia. Tôi từng đảm nhận vai trò là Đại sứ đầu tiên của Australia tại ASEAN, cũng đã làm việc rất nhiều với các bạn trong khuôn khổ này. Tôi đánh giá cao vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trong ASEAN; đồng thời tin tưởng rằng, vai trò trung tâm của ASEAN như một nền tảng cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng.
Tôi cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc, khi các bạn đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tôi tự hào khi từng góp một phần nhỏ vào việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình khi còn làm việc tại Liên Hợp Quốc, khi triển khai đợt đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan. Cũng cần nhấn mạnh, quan hệ quốc phòng giữa 2 nước đang phát triển mạnh mẽ trong hơn 25 năm qua. Năm ngoái, Hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên cử tàu tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Kakadu tại thành phố Darwin theo lời mời của Hải quân Australia. Không chỉ vậy, hơn 4.800 sĩ quan quân đội Việt Nam đã theo học và tốt nghiệp các chương trình đào tạo quốc phòng của Australia, trong đó nổi bật là đào tạo tiếng Anh.

PV: Đại sứ có thông điệp nào muốn gửi tới người dân Việt Nam về sự gắn kết giữa nhân dân hai nước?
Đại sứ: Có thể khẳng định, hai nước chúng ta có sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân hai nước. Hiện có một cộng đồng người gốc Việt lớn tại Australia. Theo thống kê, có hơn 300.000 người gốc Việt tại Australia. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 4 tại Australia, sau tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Ả Rập. Người Australia rất thích du lịch đến Việt Nam, theo tôi biết, hiện nay có khoảng 400.000-500.000 người Australia đến thăm Việt Nam mỗi năm. Các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường số chuyến bay giữa hai nước, tạo thuận tiện cho du khách.
Về giáo dục, hiện có hơn 35.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia. Tổng cộng đã có hơn 160.000 cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Australia. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường hiểu biết và kết nối giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà còn mở rộng sang hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giao lưu văn hóa. Nhiều cựu du học sinh Việt Nam đang giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tại Việt Nam, đóng vai trò cầu nối hiệu quả cho quan hệ song phương. Sự hiện diện ngày càng tăng của các trường đại học Australia tại Việt Nam cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người học, thúc đẩy sự giao thoa tri thức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
PV: Đại sứ cảm nhận như thế nào về đất nước và con người Việt Nam khi mới đến Việt Nam nhận nhiệm vụ một thời gian ngắn?
Đại sứ: Như đã chia sẻ, tôi từng đến Việt Nam trước đây nhưng lần trở lại này vẫn mang lại rất nhiều cảm xúc. Việt Nam là một đất nước sôi động, tràn đầy năng lượng và nhiều màu sắc. Nhất là dịp này khi Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ đô Hà Nội có rất nhiều hoạt động và tràn ngập không khí lễ hội. Tôi cũng đã đến TP. Hồ Chí Minh và rất ấn tượng với cuộc diễu binh lớn dịp này. Người dân thậm chí đã ngủ qua đêm ngoài đường để đón chờ xem. Tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào của các bạn trong từng ánh mắt. Đó là một sự kiện tuyệt vời.
Một điều khác khiến tôi ấn tượng là ẩm thực Việt Nam. Tôi từng được đến thăm cả 10 nước ASEAN và có thể nói rằng, ẩm thực Việt Nam là gây ấn tượng mạnh nhất với tôi. Tôi cũng phát hiện ra rằng, Hà Nội là một thành phố của cafe. Với cafe Hà Nội, cảm nhận của tôi thực sự rất tuyệt. Và tôi đang lên kế hoạch khám phá từng quán cà phê nơi đây. Tất nhiên, chúng tôi cũng rất yêu thích phở và bánh mì - những hương vị rất tuyệt vời!
PV: Cám ơn những chia sẻ của Đại sứ!
Bình luận