Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại tại Nhật Bản, đâu đó vẫn còn những con người cần mẫn, tận tụy với công việc lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống. Trong đó có các sakuramori, còn được gọi là người bảo vệ hoa anh đào. Nổi bật nhất trong các sakuramori của Nhật Bản có thể kể đến ông Toemon Sano , dù đã 97 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn cần mẫn nghiên cứu tìm ra những phương thức bảo tồn loài cây mang giá trị biểu tượng này.
Khu vườn hoa anh đào của ông Toemon Sano và gia đình ẩn mình ở một góc phía tây bắc cố đô Kyoto, Nhật Bản, là nơi trồng rất nhiều loài hoa anh đào quý hiếm. Khu vườn được coi là di sản sống của gia tộc Sano, với 16 thế hệ liên tục bảo tồn các giống hoa anh đào. Cũng như những người đi trước, ông Toemon Sano đã dành cả cuộc đời để chăm sóc và gìn giữ loài hoa này. Tại Nhật Bản, ông là một trong những người bảo vệ hoa anh đào được biết đến nhiều nhất, khi đã thành công tìm ra cách chăm sóc và phục hồi những cây anh đào quý hiếm tại Kyoto. Trong đó, có thể kể đến cây anh đào nổi tiếng ở Công viên Maruyama, được đưa từ khu vườn của ông đến trồng tiếp vào năm 1949. Ngoài ra, ông cũng là người hồi sinh giống anh đào Taihaku từng bị coi là đã tuyệt chủng. Ông Toemon Sano chia sẻ: "Tôi theo dõi cây hoa anh đào trong thời gian dài và cố gắng tìm ra các quy luật của chúng. Đó không phải là công việc dễ dàng. Bạn không thể nào làm được nếu không dành toàn bộ trái tim và trí óc cho nó."
Hoa anh đào không chỉ là loài hoa đẹp, mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử của đất nước Nhật Bản, gợi nhắc về sự tươi đẹp của tuổi trẻ và giá trị của những giây phút hiện tại. Mỗi lần hoa anh đào nở lại mang đến niềm hy vọng về sự tái sinh và sức mạnh để vượt qua những thử thách. Trong giai đoạn chiến tranh, hoa anh đào cũng được coi là biểu tượng của sự hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên cường và niềm tin vào tương lai dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Bà Naoke Abe, chuyên gia nghiên cứu hoa anh đào, cho biết: "Suốt gần 2 nghìn năm, người dân Nhật Bản đã sống và gắn bó với hoa anh đào. Loài hoa này mang trong mình ý nghĩa về hòa bình, tình yêu, tình bạn, cũng như biểu tượng của sự mong manh và vẻ đẹp thoáng qua. Tất cả những giá trị này đã ăn sâu vào tâm thức của người Nhật."
Có lẽ cũng chính bởi vậy mà đối với những người bảo vệ hoa anh đào như ông Toemon Sano, công việc này không đơn thuần chỉ là làm vườn. Họ giống như những nhà thực vật học, những người bảo vệ giá trị văn hóa và tinh thần Nhật Bản.

Tuy nhiên, công việc bảo vệ hoa anh đào ngày càng gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Ông Shinichi Sano, con trai ông Toemon Sano, người sẽ nối nghiệp bảo vệ hoa anh đào của gia đình Sano, cho biết: "Tôi nghĩ tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu là khá lớn. Nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra với tốc độ này, tôi tin rằng sẽ có những nơi ở Nhật Bản không còn được thấy hoa anh đào nở nữa."
Dù vậy, ông Toemon Sano và gia đình vẫn kiên trì tìm cách bảo tồn những cây anh đào quý báu. Tuy đã ở tuổi 97, mỗi ngày, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và chăm sóc hoa anh đào với niềm đam mê và tâm huyết không hề suy giảm. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu sâu sắc đối với văn hóa Nhật Bản mà gia đình Sano đã bảo vệ qua nhiều thế hệ.
Khi đến Kyoto, Nhật Bản, ngoài những ngôi đền, chùa và công viên nổi tiếng, đừng quên ghé thăm vườn hoa anh đào của gia đình Sano, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng những cây hoa anh đào quý hiếm và cảm nhận được một phần di sản văn hóa Nhật Bản qua bàn tay ân cần và tâm huyết của những người bảo vệ không bao giờ ngừng nghỉ này./.
Bình luận