Theo tổng hợp từ Báo cáo kinh tế tháng 4/2025 của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, nhiều tờ báo và trang tin quốc tế cho rằng, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại, xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ việc gián đoạn các chuỗi cung ứng do xung đột và nhiều yếu tố khác gây ra. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chính sách xuất khẩu và chú trọng hơn vào các thị trường mới, trong đó có Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Báo cáo kinh tế nhận định, khu vực Đông Nam Á hiện đang là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, với Philippines, Malaysia và Indonesia nằm trong nhóm các đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo tờ The Star, Singapore mới đây vừa quyết định chính thức mở cửa thị trường cho sản phẩm gia cầm từ Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ thương mại song phương. Cụ thể, Singapore sẽ nhập khẩu thịt gia cầm xử lý nhiệt của CPV Food và Meatdeli Hà Nội, trứng đóng hộp và các loại thịt tiệt trùng, trừ thịt bò. Động thái này phản ánh sự tin tưởng vào tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản của Việt Nam.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm gạo, cà phê, trái cây và hồ tiêu. Đây là những sản phẩm có chất lượng cao và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng tại các nước Đông Bắc Á. Hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiếp cận nhiều thị trường đang nổi tại châu Phi, Mỹ la tinh và Ấn Độ. Đây là những thị trường đông dân và có nhu cầu ngày càng lớn đối với thực phẩm, nhất là thực phẩm chế biến, gạo, thủy sản và trái cây. Ông Máximo Torero, Chuyên gia kinh tế trưởng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, nhận định:
"Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, và cũng đang tìm cách chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng thích ứng được biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên cả về số lượng và về mức độ tàn phá. Những yếu tố mà chúng tôi đánh giá cao ở Việt Nam đó là sự chuyển đổi theo hướng bền vững hơn theo thời gian. Khuyến nghị của chúng tôi là hãy tận dụng hiệu quả các nguồn dữ liệu hiện có, kết hợp với khoa học và kinh nghiệm từ trước, từ đó thúc đẩy nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững."
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều chuyên gia và cơ quan nghiên cứu quốc tế cũng có đánh giá tích cực về tiềm năng phát triển của ngành Halal tại Việt Nam. Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp cận các thị trường Hồi giáo, với nguồn nguyên liệu phong phú như cà phê, gạo, hải sản, hạt điều… cùng năng lực chế biến ngày càng cao. Thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu 20 mặt hàng nông sản chủ lực vào các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu. Cũng theo ông Ramlan Bin Osman, nguồn cung của Việt Nam mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và chứng nhận quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần trên các thị trường lớn. Để làm được điều này, Báo cáo kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei tổng hợp một số khuyến nghị, bao gồm: ban hành hướng dẫn rõ ràng về chứng nhận Halal, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm Halal tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư vào dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn Halal, phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường và hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Hồi giáo. Bên cạnh đó, cần tích cực tận dụng các thỏa thuận hợp tác Halal song phương, trong đó có hiệp định CEPA giữa Việt Nam và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE./.
Bình luận