Khi dân số giảm, ngân sách eo hẹp, nhiều thư viện buộc phải đóng cửa. Nhưng cũng từ thách thức ấy, những sáng kiến mới, những mô hình cộng đồng đầy sáng tạo đang dần hình thành ở đất nước “mặt trời mọc”.
Chỉ vài năm trước, thành phố Kiyose, ngoại ô Tokyo, có tới sáu thư viện công cộng. Thế nhưng, đến cuối tháng 3 năm nay, một nửa trong số đó đã phải đóng cửa vì thiếu chi phí vận hành trong khi lượng người sử dụng sụt giảm mạnh. Năm 2015, hơn 220.000 lượt người đã mượn sách tại Kiyose. Nhưng chỉ sau tám năm, con số này giảm xuống còn khoảng 150.000 lượt. "Tôi thậm chí không còn nghe thấy ai nhắc đến từ "thư viện" quanh mình nữa. Có vẻ như giới trẻ bây giờ không còn đến đó nữa", một sinh viên chia sẻ.
Trước tình hình đó, thành phố quyết định thử một cách tiếp cận mới: dịch vụ giao sách tận nhà. Người dân có thể đặt sách qua mạng hoặc điện thoại và nhận được sách chỉ sau một ngày. Khi đọc xong, sách sẽ được thu hồi tận nơi. Dịch vụ này có ngân sách 100 triệu yên (khoảng 700.000 USD), được chi trả từ phần tiết kiệm do đóng cửa ba chi nhánh thư viện, nên không làm tăng gánh nặng tài chính cho thành phố. Một số chuyên gia như ông Hiroki của tổ chức “Sáng kiến Tài nguyên trí tuệ” nnhận định rằng, trong tương lai, các thư viện quy mô nhỏ sẽ dần biến mất: "Dân số giảm và tài chính eo hẹp khiến việc xây dựng thư viện mới phải dừng lại. Ở một số khu vực, các thư viện nhỏ sẽ bị đóng cửa và sáp nhập vào các thư viện trung tâm".

Tuy vậy, vai trò của thư viện trong cộng đồng vẫn là điều không thể thay thế. Thành phố Tokoname, thuộc tỉnh Aichi, là một ví dụ tiêu biểu. Năm 2021, thư viện công cộng ở đây phải đóng cửa do tòa nhà cũ kỹ và không còn đạt chuẩn để chống chịu động đất. Tuy nhiên, trước nhu cầu thiết thực của người dân, một nhóm cư dân đã cùng nhau cải tạo một nhà máy bỏ hoang thành một thư viện tư nhân. Họ quyên góp sách và tổ chức không gian đọc chung, dù thư viện này chỉ mở hai ngày mỗi tuần vì thiếu nhân sự.
Trong khi đó, tại tỉnh Gifu, một thư viện công cộng được cải tạo từ 10 năm trước đã cho thấy cách tiếp cận mới đầy hiệu quả. Không gian được bổ sung thêm quán cà phê, hội trường tổ chức sự kiện và hoạt động văn hóa. Nhờ vậy, số người sử dụng tăng gấp 10 lần. Thay vì giữ sự im lặng tuyệt đối như truyền thống, thư viện này khuyến khích tiếng cười, thậm chí cả tiếng khóc của trẻ nhỏ. Buổi tối, nơi đây trở thành không gian dành cho người lớn với các buổi tọa đàm về văn hóa, lịch sử địa phương diễn ra vào lúc 7 giờ. Một người dân chia sẻ: “Có rất nhiều điều về nơi mình sống mà tôi chưa từng biết. Đến đây cũng là cơ hội tốt để học hỏi điều mới.”
Trong bối cảnh thư viện truyền thống đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hàng loạt, những sáng kiến như tại Nhật Bản giúp thư viện vượt qua ranh giới của một nơi lưu trữ sách, trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, giữ lại giá trị lan tỏa tri thức trong đời sống hiện đại./.
Bình luận