Một đất nước lạnh giá vào mùa Đông và khô hạn vào mùa Hè như Chile không phải là nơi tốt nhất để trồng lúa, loại ngũ cốc cần nhiều nước và chỉ phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở quốc gia đang chịu hạn hán kéo dài gần 15 năm này đã lai tạo thành công một giống lúa chịu hạn mới. Giống lúa chịu hạn mới có tên gọi Jaspe được các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (INIA) của Chile tạo ra bằng cách lai tạo một giống lúa nội địa với một giống lúa của Nga, để có khả năng thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh và khô. Giống lúa mới được trồng theo kỹ thuật SRI, tức trồng các cây mạ cách xa nhau trong đất giàu dinh dưỡng và được tưới nước không thường xuyên để tạo ra hệ thống rễ khỏe mạnh hơn. Việc cắt giảm một nửa lượng nước tiêu thụ cho việc trồng lúa cũng giúp các hộ nông dân trồng lúa tiết kiệm nước trong điều kiện khô hạn như hiện nay. Ngoài ra, việc trồng giống lúa mới với phương pháp tưới nước ngắt quãng còn giúp tăng năng suất gần gấp 10 lần so với các giống lúa thông thường. Anh Javier Munoz, một nông dân trồng lúa ở Chile chia sẻ: "Giống lúa mới chịu hạn này chính là một bước tiến lịch sử, hướng tới tương lai của những người trồng lúa như chúng tôi. Việc trồng lúa giờ đây không còn tốn quá nhiều nước nữa. Nếu chúng ta muốn đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, thì việc lai tạo giống lúa mới chịu hạn chính là cách tốt nhất".
Cũng theo anh Munoz, với giống lúa mới Jaspe, anh sẽ mở rộng diện tích trồng lúa của mình từ một ha lên năm ha. Còn chị Karla Cordero, kỹ sư nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp của Chile, cho biết: “Ở Chi-lê, chúng tôi gặp vấn đề về thiếu nguồn nước, trong khi lúa lại là một trong những loại cây trồng cần lượng nước lớn. Đối mặt với vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng khắc phục bằng cách lai tạo ra giống lúa thông minh có thể thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Ngoài việc sử dụng ít nước tưới, phương pháp trồng lúa Jaspe còn thải ra ít khí mê-tan hơn so với phương pháp canh tác lúa thông thường. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), việc trồng lúa trên những cánh đồng ngập nước có nhiều vi sinh vật là nguyên nhân gây ra khoảng 10% trong tổng lượng khí mê-tan phát thải trên thế giới. Giống lúa Jaspe đã chứng minh được khả năng chống chịu bão, lũ lụt và nắng nóng tốt hơn. Đây là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để cải thiện sản lượng lúa trong khi giảm tác động đến môi trường. Việc lai tạo ra các giống lúa chịu hạn, kháng sâu bệnh, ít tốn tài nguyên, là một trong những cách tốt nhất để tăng khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp trước biến đổi khí hậu, khi toàn cầu đang ngày càng nóng lên. Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nông nghiệp của Chile bày tỏ hy vọng sẽ sớm thử nghiệm giống lúa mới Jaspe ở Brazil, quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất trong khu vực Nam Mỹ.
Bình luận