Đột phá thể chế, pháp luật để chống lợi ích nhóm
VOV1 - Khai mạc sáng nay, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV được đánh giá là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ về quy mô thời gian và nội dung, mà còn mang ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao ý nghĩa thời đại của Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cũng như nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình.”

Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, được đánh giá là kim chỉ nam quan trọng cho Quốc hội trong thực hiện chức năng của cơ quan lập pháp tại kỳ họp thứ 9 lần này. Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm: Thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia. Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, quan điểm này định hướng quá trình xây dựng luật và sửa đổi luật cần được thực hiện khách quan và nói không với lợi ích nhóm. 

"Không phải mới đây bài viết của Tổng Bí thư đề cập vấn đề này mà trước đây nhiều lần Tổng Bí thư đã nói về đổi mới trong xây dựng thể chế pháp luật, đặc biệt là Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan tâm cốt lõi đó là không được và không nên xây dựng thể chế pháp luật của Việt Nam theo một hướng, một chiều mà phải cần khách quan và cụ thể, thiết thực. Việc xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước Việt Nam, gần dân, sát dân và có trách nhiệm với dân. Điều cốt lõi đó là chống lợi ích nhóm trong việc xây dựng pháp luật.”- Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thêm.

Đánh giá cao những giải pháp căn bản, toàn diện trong Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị cũng như trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương tâm đắc với một trong những khâu đột phá, đó là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật chỉ để quản lý sang tư duy xây dựng pháp luật vừa đảm bảo quản lý Nhà nước, vừa đảm bảo tính sáng tạo, kiến tạo, từ đó kích thích được sự sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

“Tôi vô cùng tâm đắc là trong giải pháp thực thi pháp luật thì Tổng Bí thư có nhấn mạnh: Chúng ta phải xây dựng được văn hóa thực thi pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Điều này rất quan trọng. Bởi vì nếu như không có nền tảng văn hóa thực thi pháp luật, nền tảng đạo đức pháp luật thì chúng ta rất khó có thể phát huy được tinh thần thượng tôn pháp luật. Trên thực tế vừa rồi có rất nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, lưu hành, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và đang xử lý. Điều này cũng liên quan rất nhiều đến đạo đức kinh doanh, văn hóa thực thi pháp luật.”- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.

Ấn tượng với quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư về việc dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên cho rằng điều này sẽ định hướng cho việc đột phá thể chế pháp luật, tránh tình trạng ban hành và thực thi pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn và có những lĩnh vực không ai chịu trách nhiệm chính, ví dụ như lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay.

“Bài viết của Tổng Bí thư về nội dung này trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn hội nhập mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn thực hiện được điều này thì chúng ta phải xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật phù hợp, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình làm việc. Trên thực tế chúng ta thấy có rất nhiều quy định chồng chéo nhau của các bộ, ban, ngành, đôi khi thậm chí còn có những quy định đối nghịch lẫn nhau.”- Đại biểu Nguyễn Công Hoàng nói.

Các đại biểu cũng đồng tình cao với vấn đề mà Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, đó là trong quá trình thực thi pháp luật, phải chú ý đến việc giải thích, tuyên truyền pháp luật nhiều hơn nữa cho người dân. Từ đó sẽ góp phần xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ, tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn./.

Văn Hải/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận