Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên biển nhìn từ Luật pháp Quốc tế
Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên biển có phạm vi rộng nhất, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có vai trò quan trọng với Việt Nam về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và hội nhập, hợp tác quốc tế.

Khi Liên Hợp Quốc xây dựng và ban hành Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ký tham gia là thành viên trong công ước cùng hơn 130 quốc gia khác trên thế giới. Nhờ các quy định được nêu trong Công ước, Việt Nam đã xây dựng, ban hành các quy định, văn bản pháp luật xác lập về vị trí, phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Trong đó vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là hai khu vực biển có phạm vi rộng nhất, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có vai trò quan trọng với Việt Nam về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và hội nhập, hợp tác quốc tế. Để hiểu rõ hơn về hai vùng biển này, chúng tôi sẽ có cuộc phỏng vấn chia làm nhiều kỳ với Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Ban biên giới Chính Phủ, Chuyên gia nghiên cứu về biển. Xin giới thiệu phần 1 của cuộc trao đổi với tiêu đề: Hiểu về khái niệm vùng đặc quyền, kinh tế, thềm lục địa trên biển nhìn từ Luật Pháp quốc tế.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết về khái niệm về Vùng đặc quyền kinh tế trên biển là gì, được thể hiện trong trong công ước Luật biển 1982 như thế nào?

 Tiến sỹ Trần Công Trục: Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, là những vùng biển đặc thù, mang tính lãnh thổ, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Cụ thể, ‘Vùng đặc quyền về kinh tế” ( Exclusive Economic Zone-EEZ) lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982); là kết quả của một sự thỏa hiệp tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 giữa các quốc gia đã theo đuổi 2 nguyên tắc: tự do biển cả và chủ quyền các quốc gia trên biển. Vì vây, “Vùng đặc quyền về kinh tế” được coi một vùng biển đặc thù; trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế và phải tuân theo những quy định chặt chẽ của UNCLOS 1982. Định nghĩa về EEZ, Điều 55,UNCLOS 1982, quy định :  “Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.”

Về phạm vi, Điều 57, UNCLOS 1982, quy định: “Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.” Theo quy định này thì phạm vi của vùng Đặc quyền kinh tế chính là vùng biển quốc tế ( hay còn gọi là biển công) trước khi có UNCLOS 1982. Vì vậy, để duy trì các hoạt động truyền thống trong vùng biển vốn là biển công đó, Điều 56, UNCLOS1982, đã quy định chỉ cho phép các quốc gia ven biển thực hiện một số quyền hạn chế, như: Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước. Điều 58, UNCLOS 1982, quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi hoạt động trong vùng Đặc quyền về kinh tế:

     - Trong vùng Đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện theo những quy định thích hợp của Công ước trù định, được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm nêu ở Điều 87, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, nhất là những khuôn khổ cho việc khai thác các tàu thuyền, phương tiện bay và dây cáp, ống dẫn ngầm.

     -Trong vùng Đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và trong chừng mực mà các luật và quy định đó không mâu thuẫn với phần này và với các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.

          Căn cứ vào các quy định nói trên, thì phạm vi vùng EEZ không chỉ là cột nước biển, như nhầm tưởng của nhiều người, mà còn bao gồm cả đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và cả vùng trời phía trên  trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở.  

         Nên lưu ý rằng UNLOS1982 không công nhận quyền lịch sử đối với các tài nguyên sinh vật trong vùng EEZ do một số đại biểu đã đề xuất trong quá trình thảo luận tại Hội nghị Luật Biển lần thứ III. Tuy nhiên, UNCLOS1982 cũng đã tính đến hoạt động đánh cá truyền thống của  ngư dân  đã nên đã có quy định bắt buộc các quốc gia có biển, trong trường hợp không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng đánh bắt được phép theo Điều 62(2) của UNCLOS1982, quốc gia có biển phải thông qua thoả thuận, cho phép các quốc gia khác khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt, nếu như quốc gia có biển không có khả năng khai thác toàn bộ khối lượng cho phép này. Quốc gia có biển cũng có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc bảo tồn các đàn cá lưỡng cư (Điều 63), các loài cá di cư xa (Điều 64), các loài động vật có vú (Điều 65), các đàn cá vào sông sinh sản (Điều 66), và các đàn cá ra biển sinh sản (Điều 67). Để bảo vệ các quyền chủ quyền của quốc gia có biển đối với tài nguyên cá. Điều 73 của UNCLOS1982, ghi nhận: “…Quốc gia ven biển có thể thực hiện các biện pháp như lên tàu, kiểm tra, bắt giữ và tiến hành các thủ tục tố tụng để đảm bảo việc tuân thủ các quy định được thông qua phù hợp với Công ước”. Tuy nhiên, trong khi áp dụng các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm quyền khai thác, quản lý tài nguyên sinh vật của quốc gia có biển trong vùng  Đặc quyền kinh tế, UNCLOS1982, cũng quy định các hạn chế nhất định, theo đó “các chế tài do quốc gia có biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác” (Điều 73(3)). Điều này có nghĩa là, đối với biện pháp phạt tù, các quốc gia vẫn có thể áp dụng, nếu các bên liên quan có những thỏa thuận riêng về việc cho phép sử dụng biện pháp này…

Phóng viên: Vậy còn với vùng thềm lục địa, được quy định như thế nào trong công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc, thưa ông?

       Tiến sỹ Trần Công Trục: UNCLOS 1982 đã định nghĩa Thềm lục địa pháp lý như sau: Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn” (Điều 76).

 Như vậy, “Thềm lục địa pháp lý” theo định nghĩa này bao gồm toàn bộ rìa lục địa (thềm lục địa tự nhiên, dốc lục địa và bờ ngoài của rìa lục địa). Ở nơi nào rìa lục địa không ra đến 200 hải lý thì Thềm lục địa pháp lý được mở rộng ra đến 200 hải lý. Ở nơi nào “rìa lục đia vượt quá 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa được xác định bằng cách nối các điểm ở nơi mà bề dày trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ các điểm đó đến chân dốc lục địa, hoặc nối các điểm cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý. Tuy nhiên, dù được xác định như trên, giới hạn tối đa của thềm lục địa cũng không được vượt quá 350 hải lý cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hay không được cách đường đẳng sâu 2.500m quá 100 hải lý. Trong trường hợp này, quốc gia ven biển cần phải nộp hồ sơ chứng minh ranh giới Thềm lục địa ở  ngoài 200 hải lý lên Tiểu ban ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc để Tiểu ban này xem xét quyết định.

       Theo định nghĩa của UNCLOS 1982, khái niệm vê “Thềm lục địa” đã có một bước tiến quan trọng trong nhận thức của loài người về cấu tạo địa chất, địa mạo của đáy và lòng đất dưới đáy biển trong mối liên hệ với lục địa hay hải đảo. Bởi vì bản chất của Thềm lục địa chính là sự kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển cho đến bờ ngoài của rìa lục địa.

      Tuy nhiên, Thềm lục địa vẫn chỉ được coi là một loại “lãnh thổ đặc thù”. Vì vây, quốc gia ven biển chỉ có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở trong vùng Thềm lục địa được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS1982. Ví dụ:  Điều 77, UNCLOS1982 quy định các quyền của các quốc gia ven biển:

      - Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.

      - Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

       - Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.

       - Các tài nguyên thiên nhiên ở phần này bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kỳ có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển.

       Điều 78, quy định khi thực hiện các quyền đối với thềm lục địa, các quốc gia ven biển không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này.Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các nước khác đã được công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được.

Phóng viên:Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam có quyền gì trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Công Trục: Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó, năm 1982, cùng 117 nước khác ký kêt Công ước  tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên chính thức của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

 Với tư cách là thành viên chính thức Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, để triển khai thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, Việt Nam đã xây dựng  Luật Biển Việt Nam và được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21-6-2012, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013. Luật Biển Việt Nam ra đời là quy trình nội luật hoá Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam đã ký kết và chính thức phê chuẩn. Đồng thời nó cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai, tổ chức, thực hiện Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 với tư cách quốc gia thành viên. Đây là sự kiện pháp lý rất quan trọng của quy trình xây dựng luật pháp của Nhà nước Việt Nam trong mối liên quan với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn.

 Luật biển Việt Nam  gồm có 54 Điều khoản được bố trí trong 7 Chương, chứa đựng 4 nội dung đã được hợp pháp hóa bởi Luật Biển Việt Nam đó là:

 1. Xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa và khẳng định chủ quyền đối với các hải đảo, quần đảo;bao gồm: Đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;

2. Các hoạt động trong vùng biển Việt Nam;

3. Phát triển kinh tế biển. 

4. Quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Trong đó, không thể không kể đến các quyền và lợi ích của Việt Nam được thể hiện trong vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS 1982; cụ thể là: Trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Việt Nam hoàn toàn có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong việc quản lý, thăm dò, khai thác các tài nguyên sinh vật và không sinh vật; bảo vệ môi trường biển, bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi hoạt động thăm dó khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường... theo đúng quy định tại các Điều 58, Điều 77 của UNCLOS1982 đã trình bày ở trên.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Nam

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận