Bưởi diễn Đức Hậu Lưu Quang: Tinh hoa đặc sản vùng đất Chương Mỹ
VOV1 - Mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch đã trở thành xu hướng tất yếu mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, môi trường và kinh tế. Bằng sự quyết tâm đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều hợp tác xã đã gặt hái được thành công trong sản xuất.

Bưởi Diễn từ lâu đã được xem là một đặc sản quý của Hà Nội, với hương vị ngọt thanh, vỏ vàng óng và mùi thơm dịu nhẹ. Không chỉ là sản phẩm đặc sản có giá trị, bưởi Diễn còn gắn liền với truyền thống canh tác lâu đời của người dân vùng ven đô. Với mong muốn bảo tồn và phát triển thương hiệu bưởi Diễn theo hướng an toàn, hợp tác xã Đức Hậu Lưu Quang (xã Trung Hoà, Huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) đã kiên trì theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ. Vườn bưởi được sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế hóa chất, đảm bảo sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn OCOP và VietGAP.

Vườn bưởi diễn của hợp tác xã Đức Hậu Lưu Quang được nuôi trồng theo mô hình canh tác khoa học, nhằm đảm bảo cây trồng phát triển tối ưu. Tại vườn, mỗi cây được trồng cách nhau khoảng 4 mét, tạo không gian thông thoáng đảm bảo quá trình quang hợp diễn ra hiệu quả, đồng thời hạn chế sâu bệnh và nấm mốc. Nhờ áp dụng phương pháp hữu cơ kết hợp kỹ thuật cải tạo đất hợp lý, cây bưởi tại đây sinh trưởng khỏe mạnh, quả có kích thước đồng đều, vỏ bóng đẹp và hương vị thơm ngon đặc trưng.

Vườn bưởi diễn của hợp tác xã Đức Hậu Lưu Quang

(Ảnh: Minh Trang)

Chuyển đổi tư duy từ canh tác truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ

Ông Lê Hữu Diện (Giám đốc hợp tác xã Đức Hậu Lưu Quang) nhận định nông nghiệp hữu cơ không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng mà còn thân thiện với môi trường góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Ông Diện cho biết: “Nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp bền vững và có nhiều lợi ích như: Không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, mang lại sức khỏe trực tiếp cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm về sản phẩm. Thân thiện với môi trường, giảm sâu bệnh, do đó môi trường trở nên trong sạch hơn. Lợi ích nữa là mọi người sử dụng sản phẩm và cảm nhận được sự an toàn, điều mà khách hàng hiện nay rất quan tâm, đó là an toàn thực phẩm. Lợi ích cuối cùng là người nông dân lúc nào cũng tự hào là một người nông dân tử tế, đem lại cho khách hàng những sản phẩm sạch, tốt nhất và an toàn nhất.”

Ông Lê Hữu Diện chia sẻ về phương pháp canh tác hữu cơ của hợp tác xã

(Ảnh: Minh Trang)

Hiện nay, trên toàn bộ diện tích canh tác, hợp tác xã đã áp dụng mô hình nông nghiệp sạch, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ bón phân, cải tạo đất, tưới tiêu đến sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật an toàn. Ngoài ra hợp tác xã cũng sử dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ cám ngô, cám gạo, đỗ tương và cá đồng kết hợp với chế phẩm vi sinh giúp phân giải chất dinh dưỡng một cách tự nhiên. Biện pháp này giúp tăng cường chất lượng đất và cây trồng, tận dụng chiết xuất từ quả chuối chín, nước cây chuối và trứng để bổ sung dưỡng chất cho đất. Từ đó, giúp quả bưởi hữu cơ đạt độ ngọt tự nhiên và hương thơm đặc trưng.

Với diện tích trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã luôn duy trì năng suất ổn định, cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác truyền thống. Hiện tại, mỗi cây bưởi có thể cho ra hàng chục quả, với giá trung bình hằng năm đạt từ 30.000 - 40.000đ/quả, luôn được khách hàng đặt mua hết trước khi vào mùa thu hoạch. Bưởi Diễn tại đây nổi bật với lớp vỏ vàng bóng đẹp, không sâu bệnh, ruột thơm, tép bưởi mọng nước, vị ngọt thanh tự nhiên, không bị he đắng. Đặc biệt, quả bưởi để lâu càng héo càng dẻo và ngọt hơn, làm nên sức hút đặc trưng của bưởi Diễn đặc sản.

Nông nghiệp hữu cơ hướng tới tương lai xanh

Thực tế cho thấy, nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn có giá trị bền vững lâu dài. Trước hết, sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nhờ không sử dụng hóa chất độc hại. Thứ hai, phương pháp này giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đất và nguồn nước đồng thời cải thiện hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, giá trị kinh tế của nông nghiệp hữu cơ cũng cao hơn so với nông nghiệp truyền thống. Do sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, giá bán cũng cao hơn, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Mai (chuyên viên phụ trách công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết giá trị kinh tế của mô hình hợp tác xã theo hướng hữu cơ, VietGAP cao hơn gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống và đã góp phần tăng trưởng doanh thu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, hợp tác xã Đức Hậu Lưu Quang đã phần nào khẳng định được giá trị sản phẩm hữu cơ của mình tại nhiều thị trường.

CTV Cẩm Tú - Minh Trang

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận