Cách đây 70 năm, gần 90% dân số Việt Nam nhiễm bệnh mắt hột, trong đó có tới 15% số người bị lông quặm và bệnh này là nguyên nhân gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn… Viện Mắt hột, nay là Bệnh viện Mắt Trung ương không ngừng nỗ lực trong công tác phòng chống căn bệnh truyền nhiễm này.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thời gian qua, không chỉ điều trị cho người bệnh đau mắt hột, ngành y tế còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phòng bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát động các phong trào cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân:
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực không ngơi nghỉ của các thầy thuốc nhãn khoa, của ngành Y tế, sự phối hợp của các ban ngành, của nhân dân, sự hỗ trợ về kỹ thuật thuốc men, về tài chính của các tổ chức quốc tế. Đến nay, bệnh mắt hột đã không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Với các căn cứ khoa học, Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là đã thanh toán được bệnh mắt hột trên phạm vi cả nước”.

Chứng kiến thành tựu này, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại nước ta đánh giá, việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, ngành y tế và cộng đồng trong việc nỗ lực thanh toán căn bệnh này. Đặc biệt với những người dân ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh mắt hột, nhưng Việt Nam đã quan tâm, đầu tư đúng mức để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho người dân:
“Chúng ta cần cam kết thực hiện ba hành động quan trọng trong thời gian tới. Thứ nhất, cần duy trì bền vững kết quả này bằng cách tiếp tục sử dụng những công cụ đã mang lại thành công. Thứ hai, cần đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người, ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Và thứ ba, hãy tận dụng động lực có được từ việc thanh toán bệnh mắt hột để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác”.
Văn Hải/VOV1
Bình luận