Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, mục tiêu chính của Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319) là đấu tranh chống hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác trên các nền tảng số. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lê, Phòng nghiệp vụ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, tiếp tục triển khai các giải pháp chống gian lận trên thương mại điện tử trong năm 2025, nhằm tăng cường rà soát doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ngừng hoạt động, chống gian lận gây thất thu ngân sách nhà nước, đơn vị sẽ xây dựng hệ thống phần mềm dữ liệu đối với hoạt động trong thương mại điện tử nói riêng và hoạt động thương mại nói chung thông qua xác định và truy vết các sản phẩm hàng hóa:
"Thời gian vừa qua các hành vi vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử là vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng tôi có rất nhiều giải pháp để cùng với các cơ quan chức năng khác và chính bản thân người tiêu dùng để bảo vệ được quyền cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức cho người tiêu dùng. Ngoài việc chúng tôi tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền để tăng cường hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn thì chúng tôi cũng tăng cường các giải pháp về công nghệ để sớm phát hiện ra các sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán ở trên các sàn TMĐT cũng như trên thương mại truyền thống, để người tiêu dùng mua được những sản phẩm thật, có chất lượng và luôn luôn bảo đảm được quyền lợi của mình khi bỏ tiền thật ra thì người tiêu dùng sẽ được sử dụng những hàng hoá thật. Có thể nói rằng, ngoài việc các cơ quan chức năng đã tiến hành làm các công cuộc như kiểm tra, xử lý trong thời gian vừa qua thì chúng tôi cũng luôn luôn mong muốn được người tiêu dùng đồng hành và cùng chúng tôi để trở thành người tiêu dùng thông thái trên thị trường nội địa".
Căn cứ theo dữ liệu do Cục Thuế, Bộ Tài chính cung cấp tại công văn số 439, ngày 24/01/2025, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử có giải trình về việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định số 52/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021). Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế. Về việc quản lý thuế từ những buổi livestream bán hàng có doanh thu lên tới hàng tỷ đồng trên các hạ tầng mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập. Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế, cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế:
" Kết quả thanh tra xử lý vi phạm của những năm 2021, 2022, 2023 của các tổ chức cá nhân, cơ quan chức năng đưa vào rà soát là 31.570 đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp hộ kinh doanh và cá nhân thì chúng tôi đã xử lý vi phạm là 22.159 trường hợp và số thuế thu tăng thêm là gần 3000 tỷ đồng".
Xác định người bán hàng là một chủ thể quan trọng trên thương mại điện tử, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững. Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: :Trong môi trường giao dịch điện tử thì chúng ta thấy các giao dịch hiện nay mà xảy ra các sự cố thường là các giao dịch không định danh và cũng không có các bằng chứng để sau này cũng có thể để khiếu nại cũng như là đưa ra xử lý dân sự nếu trong trường hợp phức tạp, thì đây là lý do làm cho các hoạt động gian lận cũng như sai phạm trong thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra…".
Phạm Hạnh/VOV1
Bình luận