Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SDNL TK&HQ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2025 và Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (5/2025), ngày 28/3/2025, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) đã làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Long An, nghe báo cáo, trao đổi và góp ý về thực hiện chính sách phát luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Sài Gòn Food (SGFs) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Châu thuộc Tập đoàn PPJ Group, Đoàn công tác ghi nhận khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đó là đầu tư chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, theo Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Châu, là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may nên doanh nghiệp luôn định hướng phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ 2021 đến nay, Thành Châu đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và đã giảm được 19% điện sử dụng/đơn vị sản phẩm.
Trong hoạt động sản xuất, nhà máy đã giảm 30% lượng nước tiêu thụ bằng cách tối ưu hóa thiết bị và quy trình nhuộm, sử dụng hệ thống theo dõi và cảm biến điều khiển, tái sử dụng nước. Từ năm 2022 nhà máy đã chuyển sang 100% sử dụng biomass. Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2025 tỉ lệ tái chế nước thải đạt 52% và chuyển đổi ít nhất 15% nguồn năng lượng sử dụng trong sản xuất sang năng lượng sạch/ năng lượng tái tạo. Năm 2030 giảm 42% phát thải CO2; năm 2029, 100% sử dụng hóa chất xanh; năm 2030 tái chế và sử dụng 30% rác thải rắn, không chôn lấp rác thải công nghiệp.
Một số giải pháp trong thời gian tới của doanh nghiệp, đó là: Thay thế nhiên liệu đốt lò hơi; lắp đặt năng lượng mặt trời; sử dụng năng lượng tái tạo theo dự án DPPA; xây dựng các dự án hấp thụ carbon/ giảm carbon để phát hành tín chỉ carbon.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Châu cho biết, thực hiện tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn tài chính lớn để đầu tư chuyển đổi công nghệ. Do đó, khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là tài chính. Bên cạnh đó giá thiết bị tiết kiệm năng lượng còn cao, cơ chế doanh nghiệp vay vốn cũng là trở ngại đối với doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Các ý kiến, góp ý, đề xuất của doanh nghiệp đã được đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

++ BOX: Đoàn công tác do ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT làm trưởng đoàn, cùng đại điện đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban KH,CN&MT; đại diện Vụ KH,CN&MT (Văn phòng Quốc hội); đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Theo kế hoạch ngày 29/3/2025, Đoàn công tác sẽ tiếp tục khảo sát một số doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai./.
PV Nguyên Long
Bình luận