
Tốt nghiệp THPT năm 2003, Phạm Đình Duẩn rời quê hương Thái Bình ra Quảng Ninh học tập rồi gắn bó với ngành mỏ kể từ đó. Gần 20 năm sau, khi đã trở thành "Người thợ giỏi", anh vẫn nhớ quãng thời gian mới vào nghề được phân công làm việc tại phân xưởng khai thác 5, Công ty Cổ phần than Vàng Danh. Anh Duẩn bảo rằng, thời điểm đó nhiều khi thấy nản bởi công việc vất vả, khó khăn; nhưng có sự động viên, giúp đỡ của các anh, các bác trong công ty, anh đã tìm thấy niềm vui trong từng mũi khoan, đường lò: “Lúc trẻ chưa hình dung được nghề mỏ, nhưng sau khi vào trong lò cũng cảm nhận được sự vất vả, nặng nhọc của nghề nhưng không vì vậy mà từ bỏ mà cần có niềm đam mê và yêu nghề. Trong thực tế, vào hiện trường sản xuất, tôi cũng thường xuyên quan sát, nhìn nhận những khi công việc gặp khó khăn thì ý thức của tôi nhận định phải nghĩ ra một sáng kiến để cải tạo công việc này làm sao đảm bảo thứ nhất là an toàn, thứ hai là tăng năng suất lao động, giảm sức của người công nhân.”
Với tình yêu nghề, công nhân Phạm Đình Duẩn đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, tối ưu hóa công việc để tăng năng suất, giảm sức lao động của người thợ bằng hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến của anh Duẩn đã được áp dụng rộng rãi tại các phân xưởng, góp phần nâng cao năng suất và đặc biệt là đảm bảo an toàn lao động dưới hầm lò. Tiêu biểu là sáng kiến sử dụng lưới thép B40 chèn nóc hầm tại các lò chuẩn bị sản xuất. Ông Đào Bình Minh, Phó Quản đốc kỹ thuật Phân xưởng KT14 cho rằng, sáng kiến này không chỉ giúp giảm chi phí khấu than mà còn nâng cao độ an toàn, tiết kiệm thời gian, sức lao động của người thợ: “Trước khi chưa lưới B40 thì sẽ dùng bằng gỗ chèn để giải nóc, nhưng sẽ không rải kín toàn bộ tiết diện của nóc. Khi có sáng kiến đưa B40 vào thì lượng gỗ dùng để treo trên nóc ít đi rất nhiều so với trước mà lưới B40 rất là nhẹ, vận chuyển rất dễ. Một người có thể xách từ vài cuộn. Giờ đây, chắc chắn là độ an toàn đứng lên hàng đầu rồi năng suất cao hơn. Bởi vì khi rải lưới B40 đơn thuần rất nhanh mà chỉ cần giải pháp buộc bằng dây thép. Sau đó là rải gỗ bên dưới chỉ gần 2 đến 3 cây một chu kỳ. Tôi đánh giá sáng kiến này là rất hợp lý, cải thiện cho những điều kiện làm việc để cho anh em bớt sức lao động và đảm bảo được tính an toàn.”

Bên cạnh đó, một số sáng kiến khác của anh Duẩn như đào cút thoát nước từ lò song song xuống lò dọc vỉa 6 mức 0 giếng Vàng Danh và gia công phỗng đong than tại lò chợ III-8-1, khu III giếng Vàng Danh... cũng đã giúp công ty tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Áp dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Phạm Đình Duẩn, bình quân năng suất đào lò mỗi ca của công nhân Phân xưởng Khai thác 14 cũng tăng từ 1,3-1,5 lần, mang lại thu nhập từ 12-22 triệu đồng/tháng/người (tăng gần 200% lương bình quân đối với công nhân khai thác năm 2013). Riêng cá nhân anh Duẩn luôn có thu nhập 300 triệu/năm, mức thu nhập mà nhiều ngành nghề khác khó có thể đạt được.
Với những người thợ trẻ, anh Phạm Văn Duẩn luôn tận tình chỉ bảo từng chi tiết nhỏ nhất để nâng cao hiệu suất làm việc, đảm bảo an toàn trong lao động. Anh Đàm Hữu Đạt (công nhân phân xưởng Khai thác 14) Công ty CP than Vàng Danh nhận xét: “Tôi công tác cùng với đồng chí Phạm Đình Duẩn từ năm 2014. Quá trình làm việc luôn được đồng chí giúp đỡ tận tình, chỉ bảo. Diện sản xuất thì thay đổi theo ca, theo ngày, ở những lò chợ phạm vi gương lò yếu, anh Duẩn luôn tận tình, cầm tay chỉ việc, đưa cho gương lò về trạng thái đảm bảo an toàn, sau đấy bắt đầu sản xuất.”
Anh Trần Minh Tuân (Phòng Trắc địa), Công ty CP than Vàng Danh cho biết thêm: “Ngoài công việc ra, tôi thấy anh Duẩn có rất nhiều điều để học hỏi nhất là việc học của anh. Từ một người công nhân sơ cấp nghề mà phấn đấu học tới Thạc sĩ nghề mỏ, không nhiều công nhân làm được như anh, vừa đi học mà vẫn đủ công tiêu chuẩn.”
Với sự kiên trì, sáng tạo, yêu và hiểu công việc của mình tới từng chi tiết nhỏ, thợ lò Phạm Đình Duẩn đã tạo ra những giá trị riêng cho bản thân, cống hiến cho tập thể và làm dày thêm truyền thống vẻ vang công nhân vùng mỏ, góp phần nâng cao vị thế của người công nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.

Vũ Thị Miền/VOV Đông Bắc
Bình luận