Nỗ lực để sớm triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ số
VOV1 - Theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực để sớm triển khai gói tín dụng hỗ trợ phát triển hạ tầng và công nghệ số. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng góp phần tích cực hơn vào mục tiêu tăng trưởng GDP "hai con số" trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế triển khai gói tín dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 20 tỷ đô la Mỹ, để cho vay thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ số. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết:

"Gói tín dụng này dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại chứ không phải nguồn lực ngân sách hay của nước ngoài, hạ lãi suất bằng việc các ngân hàng thương mại giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất và kéo dài thời hạn cho vay. Đặc biệt, ngân hàng phải cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Cho vay hạ tầng vào các dự án lớn, quy mô vốn lớn, nên các ngân hàng phải đồng tài trợ chứ không phải một ngân hàng làm được".

Trong tháng 4 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc trực tiếp với 21 ngân hàng thương mại. Theo đó, nhóm Big4 là 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã đăng ký tham gia với mức 60 nghìn tỷ đồng mỗi ngân hàng. 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20 nghìn tỷ đồng một ngân hàng và 5 Ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng. Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - MB nhìn nhận:

"Các ngân hàng thời gian qua đã tham gia tích cực vào cho vay hạ tầng. Nhưng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng thì MB đã đăng ký với ngân hàng Nhà nước tham gia 20 nghìn tỷ theo chính sách chung là giảm 1% lãi suất. Quy mô gói tín dụng 500 nghìn tỷ với một ngân hàng là lớn, nhưng với cả hệ thống ngân hàng là không lớn nên sẽ không thay đổi về cơ cấu ngắn hạn và trung dài hạn, đảm bảo các chỉ số an toàn của ngân hàng".

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, để cùng rà soát, xác định rõ các dự án trọng điểm, các nhóm doanh nghiệp thực sự cần được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế điều phối cho vay linh hoạt, tuân thủ các nguyên tắc an toàn tín dụng, để gói hỗ trợ này sớm đi vào thực hiện./.

 

Trung Hiếu - VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận