
Kể từ hôm nay (10/5/2025), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 4,8%, tương ứng tăng hơn 100 đồng/kWh. Việc tăng giá lần này đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ lưỡng theo các quyết định của Chính phủ, Bộ Công Thương và sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội, tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ 0,09%. Mặc dù vậy, việc tăng giá điện lần này đúng vào thời gian cao điểm của mùa khô trên cả nước, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên cùng với kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm thì cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hoá để tránh lợi dụng “té nước theo mưa”.
Thông tin về công tác đảm bảo điện năm 2025 và việc điều hành giá điện từ ngày 10/5/2025, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang thực hiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025 với mức tăng trưởng GDP cả năm 2025 từ 8% trở lên. Theo đó, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2% trở lên, tương ứng sản lượng điện tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Trong cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Trong đó, nhiều nguồn nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện (như than, dầu, khí LNG) phải nhập khẩu, trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao đã làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.

Ông Võ quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân; theo tính toán của Cục thống kê tác động chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2025 chỉ 0,09%: "Cùng với trách nhiệm đảm bảo cung điện thì hiện Việt Nam còn phải thực hiện để làm sao đấy nền kinh tế của chúng ta đảm bảo sức cạnh tranh, và người dân đảm bảo được an sinh xã hội. Đây là những mục tiêu rất quan trọng. Chính vì vậy, sau khi tính toán rất kỹ lưỡng, đánh giá được các tác động, kể cả phần phần CPI, tác động đến kinh tế thì chúng tôi cũng đã đề xuất và đã có quyết định điều chỉnh giá điện với mức độ điều chỉnh là 4,8%".
Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày 10/5/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định (số 1279/QĐ-BCT ngày 09/5/2025) quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo quyết định này, tác động của việc điều chỉnh giá điện đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt - đang thực hiện theo biểu giá bậc thang - 6 bậc, và tiêu dùng ở mức bình thường sẽ tăng thêm từ khoảng 4.550 - 65.050 đồng/hộ/tháng. Trong đó, nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, hiện nay đang trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng cao, nhất là các thiết bị điều hoà, tủ lạnh tiêu tốn lượng điện lớn - nếu không sử dụng đúng cách hoá đơn tiền điện sẽ tăng cao.

Trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh giá điện vẫn còn những băn khoăn về tính minh bạch trong cách tính giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN. Là một trong 7 thành phần đại diện cơ quan bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện nhiều năm qua, ông Bùi Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định giá thành điện đã được kiểm tra đúng, đủ, khách quan và minh bạch. Vì vậy, tiêu dùng điện tiết kiệm là vô cùng cần thiết: "Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam mình là Thủ tướng cũng như Đảng ta đang có chủ trương là 8% năm nay và các năm tiếp theo có thể là hai con số. Thì tăng 8% tăng trưởng kinh tế thì ngành điện phải tăng đến 12-13%. Chính vì vậy cho nên cùng với gánh nặng của ngành điện thì hơn lúc nào hết người tiêu dùng chúng ta làm sao đó sử dụng điện an toàn tiết kiệm và hiệu quả. Mà cái này thì cũng đang có sửa đổi Luật sử dụng điện tiết kiệm an toàn hiệu quả. Và kỳ họp thứ 9 của Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật SDNLTKHQ sửa đổi, thì người tiêu dùng trước hết là mình phải tiết kiệm, chứ trong điều kiện hiện nay thì không thể không tăng giá điện được".

Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương nhấn mạnh, tăng cường tiết kiệm điện là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo điện, nhất là trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao: "Tăng cường tiết kiệm điện. Đây là một trong những giải pháp được đặt ra cũng hết sức là quan trọng. Với việc chúng ta tiết kiệm điện thì cũng tương ứng với việc chúng ta sẽ giảm được nhu cầu, đặc biệt là thời điểm cao điểm. Ở đây thì chúng ta cũng đã có một loạt những quy định, những chế tài, những yêu cầu đối với việc tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất, trong kinh doanh, trong tiêu dùng, và đặc biệt là thời gian cao điểm. Và giải pháp quan trọng cuối cùng chính là thường xuyên kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng".
Theo tính toán của Cục thống kê được EVN công bố, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 khoảng 0,09%. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh tới việc kiểm soát biến động giá cả hàng hoá, bởi điện là năng lượng đầu vào thiết yếu của sản xuất nên sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên CPI mà còn tác động gián tiếp/ lan toả thông qua tăng giá các mặt hàng khác sử dụng điện, nhưng quan trọng hơn là kiểm soát hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng theo giá điện: "Đối với những mặt hàng Nhà nước định giá mà nó làm đầu vào cho các mặt hàng khác của nền kinh tế thì phải kiểm soát cho được giá thành và yêu cầu tiết giảm chi phí sản xuất, và có những trường hợp là phải yêu cầu không cho tăng giá để lại tránh lợi dụng tiếp các mặt hàng mà không liên quan để tăng giá. Còn trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh giá thì tôi nghĩ là tối đa không cho phép điều chỉnh vượt quá mức tăng giá điện…Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác thì phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hơn việc niêm yết giá, kết quả niêm yết giá trước và sau khi tăng giá điện, và có biện pháp xử lý phù hợp nếu như có trường hợp mà ngay sau khi điều chỉnh giá điện thì tăng giá bất hợp lý./.
PV Nguyên Long
Bình luận