Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: đổi mới tư duy trong thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Minh Long – VOV1 10/5
“Chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu” là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
# Thống nhất cao với nhận định tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp và Môi trường đang đối mặt với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành hiện nay. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã đạt một số kết quả tích cực như triển khai nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng, nhưng để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Triển khai Nghị quyết 57, Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể tại Quyết định số 503, xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ, ngành Nông nghiệp và Môi trường cần tập trung 5 nhóm giải pháp then chốt gồm: hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong ngành Nông nghiệp và Môi trường: “Chúng ta đã có Nghị quyết 57 rất kịp thời và đột phá của Bộ Chính trị, đã có kế hoạch hành động chi tiết của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học vấn đề còn lại là ý chí hành động, sự quyết tâm đổi mới trong triển khai thực hiện. Tôi tin tưởng rằng hội nghị hôm nay là khởi đầu tích cực, tạo động lực mới để hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành đột phá phát triển của ngành nông nghiệp và môi trường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”
Về phía địa phương, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã và đang tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Bắc Ninh khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh. Về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn.“Trong thời gian tới, Bắc Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu bền vững, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp đô thị và thúc đẩy hợp tác kinh tế ngành nông nghiệp với các ngành thương mại dịch vụ và du lịch. Bắc Ninh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến kết quả nghiên cứu giải pháp đột phá về phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo chuyển xuôi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực “nội sinh” sức cạnh tranh đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại thân thiện với môi trường”. Ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Bộ cũng ký kết với một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững”; phát triển ngành tôm giống chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ngành thủy sản./.
Bình luận