"Chưa vội bàn tới câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025"
VOV1 - Quý 1/2025: Công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu khoảng 3,15 tỷ USD. "Chưa vội để bàn tới câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu" - Thông tin tại cuộc họp báo Quý 1/2025 của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (04/4/2025).

Tại cuộc họp báo Quý 1/2025 của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (04/4/2025), cơ quan quản lý nhà nước thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 58/63 địa phương. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn so với quý 1/2024 chỉ tăng 6,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,3%. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có thặng dư, với giá trị xuất siêu ước đật 3,15 tỷ USD. 

Nghe tại đây:

Mặc dù chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý I/2025, tuy nhiên Bộ Công Thương dự báo sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I/2025 tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 02 tháng đầu năm nay. Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2). Ông Bùi Huy Sơn Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và quản lý doanh nghiệp, Bộ Công Thương, thông tin: "Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cả 58/63 địa phương, trong đó có nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp “hai con số”. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh quý I/2025 có đến 2 kỳ nghỉ Tết, trong đó có kỳ nghỉ Tết âm lịch cũng khá dài".

Về hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 ước đạt 202,5 tỷ USD (ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh; Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Báo cáo cũng cho thấy, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).

Liên quan đến việc Hoa Kỳ tuyên bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, trong đó có Việt Nam (theo kế hoạch từ 09/4 tới đây), nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc liệu có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Bộ Công Thương đã đặt ra hồi đầu năm không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo nhấn mạnh: "Các giải pháp chúng ta đặt ra ở đây là để vượt qua thách thức, và tìm ra các cơ hội mới. Có thể nói là còn rất sớm để chúng ta bàn tới câu chuyện có điều chỉnh mục tiêu hay không. Thứ 2 là tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rất rõ, là chúng ta chưa bàn tới việc điều chỉnh mục tiêu từ xuất khẩu, nhập khẩu, rồi kể cả mục tiêu GDP ở mức 8%. Tất cả việc này phải rất bình tĩnh để xử lý một cách tổng thể và toàn diện. Cho nên có thể khẳng định chúng ta chưa vội để bàn tới câu chuyện là có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hay không. Thứ 2 là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công hàm Bên cạnh đó, việc sẵn sàng không chỉ ở hội đàm mà còn chuẩn bị rất nhiều nội dung mà phía Hoa Kỳ quan tâm, và những cái để Việt Nam giải thích rõ và cụ thể hơn về các chính sách xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế và những nội dung khác có liên quan…" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Cùng với việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ thông tin, tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm, đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu “không nên để trúng chung một giỏ”, và cùng với phát triển thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước hơn 100 triệu dân nhiều tiềm năng.

BOX: Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực, với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản Quý I/2025 tăng 7,9%).

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận