Áp lực cung cấp điện mùa khô 2025: Cần chuyển mạnh sang quản lý phụ tải chủ động, bền vững
VOV1 -Áp lực cung cấp điện tiếp tục gia tăng khi sản lượng điện quý I/2025 đạt 72,2 tỷ kWh, cho thấy cần chuyển mạnh sang quản lý phụ tải chủ động, bền vững - thông tin tại hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” do Bộ Công Thương tổ chức.

Trong thời gian cao điểm mùa khô các năm 2023 - 2024, việc cung ứng điện gặp nhiều thách thức. Bước sang năm 2025, áp lực tiếp tục gia tăng khi sản lượng điện quý I đạt 72,2 tỷ kWh. Dự báo năm 2025, sản lượng điện thương phẩm cả nước sẽ tăng 12,5%, vượt 340 tỷ kWh. Trong khi đó, tiến độ bổ sung nguồn điện mới chỉ đạt hơn nửa lộ trình đề ra, làm gia tăng nguy cơ mất cân đối cung – cầu điện năng. Điều này cho thấy cần chuyển mạnh sang quản lý phụ tải chủ động, bền vững.  Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” vừa được Bộ Công Thương tổ chức, trong khuôn khổ các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3).

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Cục trưởng Cục Điện lực - đại diện đơn vị đồng chủ trì cùng với Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các nhóm khách hàng tiêu thụ điện lớn trong các lĩnh vực sản xuất, tòa nhà và dịch vụ. Đồng thời, Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị các giải pháp ứng phó chủ động với nguy cơ thiếu hụt điện trong mùa khô và thời kỳ cao điểm phụ tải năm 2025.

Với cách tổ chức và nội dung của chương trình hội nghị năm nay có nhiều điểm mới, trọng tâm là các giải pháp công nghệ, tài chính và quản trị tiêu thụ điện, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Trong đó, đã cập nhật các xu hướng hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong tối ưu hóa năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và giới thiệu các mô hình thành công.

Một trong những điểm nổi bật của chương trình là việc ra mắt Trang web Kiểm toán năng lượng nhanh - công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá hiệu quả sử dụng điện cùng các phiên thảo luận, mô phỏng tình huống thực tế và hoạt động ký kết cam kết hành động tiết kiệm điện. Những hoạt động này cho thấy Hội nghị năm 2025 tập trung mạnh mẽ vào hành động cụ thể, thiết thực và có tính ứng dụng cao trong cộng đồng khách hàng sử dụng điện.

“Hội nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nhận thức sang hành động trong sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các chính sách và giải pháp cần được triển khai thực chất, thông qua mô hình thí điểm, ứng dụng công nghệ, cam kết hành động và sự phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan” - ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

++ Hệ thống chính sách và pháp luật về sử dụng hiệu quả năng lượng đang được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ, hiệu lực cao hơn. Luật Điện lực sửa đổi và Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đề xuất cơ chế bắt buộc, có giám sát và chế tài rõ ràng đối với các đơn vị sử dụng năng lượng lớn. Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 03/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: tiết kiệm điện không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ bắt buộc, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân!

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận