Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN); trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển KHCN và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đáng chú ý, 5 năm tới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phải có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hôm nay (4/4), tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, giai đoạn 2021 đến nay, Viện luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản với số lượng các công trình công bố luôn duy trì ở mức cao, đạt hơn 2.000 công bố/năm. Giai đoạn 2020-2024, Viện đã công bố hơn 11.360 công trình. Đến nay, Viện đã tiệm cận đến tỷ lệ 1,7 công bố/1 tiến sĩ/năm, tương đương với tỷ lệ công bố của các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học uy tín tại các nước phát triển trên thế giới. Cùng với nghiên cứu cơ bản, Viện cũng luôn quan tâm và chú trọng thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, làm chủ được nhiều công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực KHCN khác nhau như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ vũ trụ, công nghệ năng lượng, môi trường…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, các nhà khoa học trong Viện cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu. Đơn cử như quy trình xét chọn, phê duyệt đề tài hiện quá dài và phức tạp. Thời gian từ khi đề xuất đến khi được chấp thuận và triển khai có thể kéo dài hàng năm do phải trải qua nhiều vòng xét duyệt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhà khoa học phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính, quá trình thanh quyết toán còn nhiều bất cập do có nhiều văn bản chồng chéo… v.v. Do đó, các nhà khoa học kiến nghị, cần đổi mới quy trình phê duyệt, lập thuyết minh- dự toán và thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm sớm triển khai các ý tưởng nghiên cứu đột phá, tăng cường tính tự chủ hoàn toàn cho các nhà khoa học trong việc triển khai nghiên cứu. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho hoạt động KHCN vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển như công nghệ vũ trụ, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học. Đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch, dự toán và phân bổ ngân sách đối với hoạt động của Viện phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KHCN, đảm bảo đồng bộ, gắn kết giữa định hướng phát triển Viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Cùng với đó có cơ chế chính sách cụ thể về trọng dụng, đãi ngộ và thu hút các nhà khoa học có trình độ cao, các tổng công trình sư…:
PGS.TS Phí Quyết Tiến- Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học kiến nghị: "Giữ chân và thu hút cán bộ trẻ, tạo điều kiện cho cán bộ có chuyên môn sâu trong dài hạn là điều chúng tôi rất kỳ vọng. Làm sao để chúng ta có được lớp kế cận trong dài hạn cũng là điều chúng tôi mong muốn…"
Còn theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn- TGĐ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: "Đối với tầm nhìn quốc gia, trong Nghị quyết 57 cũng đã nói đến không gian vũ trụ, nhưng đó mới là Nghị quyết của Bộ Chính trị… Cũng rất mong sắp tới trong Nghị quyết của Đại hội Đảng thì đưa không gian vũ trụ vào là một trong 5 không gian chúng ta cần bảo vệ và giữ chủ quyền..."
Trong khi đó, GS.TS Trần Đại Lâm- Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu cho rằng: "Nếu chúng ta chỉ mua công nghệ thì chúng ta mãi lẽo đẽo đi sau thế giới. Do đó, nếu chúng ta tham gia ngay từ đầu của công nghệ tương lai thì sẽ giúp ích rất nhiều…"
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03 của Chính phủ đã nhấn mạnh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được xác định trở thành trung tâm KHCN hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực KHCN trình độ cao. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu KHCN, tập trung vào các vấn đề lớn, các chương trình trọng điểm, vấn đề khó; trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển KHCN và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đáng chú ý, 5 năm tới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phải có ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển KHCN phải bám sát xu hướng của thế giới và thực tiễn tại Việt Nam.
"Xây dựng các quy chế gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn. Nghiên cứu phát triển các khu thử nghiệm công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hoá sản phẩm khoa học của Viện, phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm trong 5 năm tới. Học tập mô hình của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc trong việc tạo ra các công ty khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu- thành lập hơn 200 công ty khởi nghiệp công nghệ từ nghiên cứu của mình tính đến năm 2024, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD từ bằng sáng chế và sản phẩm thương mại"- PTT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đã đề ra; cần tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và nghiên cứu, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng cơ chế linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân tài, nhà khoa học Việt kiều và chuyên gia quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo cán bộ trẻ, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh./.
Bình luận