Quan hệ EU-Trung Quốc: “Đồng sàng nhưng dị mộng”
VOV1 - Cùng với những diễn biến quốc tế trong tuần, Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Bởi dù nỗ lực xích lại gần nhau, nhưng giữa EU và Trung Quốc vẫn còn nhiều khác biệt do nhiều bất đồng.

       Trước hết phải khẳng dịnh rằng, sau những tranh cãi về lịch trình, việc các nhà Lãnh đạo châu Âu bay đến Bắc Kinh dự Hội nghị Thượng đỉnh với Trung Quốc và việc Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra 3 đề xuất cho tương lai phát triển quan hệ Trung Quốc-EU…đã cho thấy dù còn bất đồng, nhưng cả EU và Trung Quốc đều coi nhau là đối tác quan trọng và sự kiện Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này là cơ hội để cài đặt quan hệ song phương.

         Còn nhớ, năm 2019, EU lần đầu tiên đã chính thức định danh Trung Quốc trong “Tầm nhìn Chiến lược” với 3 vai trò song hành: “đối tác hợp tác”, “đối thủ cạnh tranh” và “đối thủ hệ thống”. Điều đó cho thấy dù coi Trung Quốc là một đối tác lớn nhưng EU vẫn cảnh giác trước sức mạnh của đối tác quan trọng này.      

        Những năm gần đây, quan hệ EU – Trung Quốc liên tục gặp nhiều trắc trở. Việc Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) bị đình trệ bởi tranh cãi về quyền con người, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, cùng sức ép từ Mỹ đã khiến lòng tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng.

       Quan trọng hơn, phía EU luôn lo ngại về mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc, mà EU cho là các doanh nghiệp được trợ cấp, thị trường mở cửa hạn chế và quy tắc cạnh tranh thiếu minh bạch. Ngược lại, Trung Quốc cho rằng EU đang áp dụng tiêu chuẩn kép, bỏ qua nỗ lực cải cách của Trung Quốc và ngày càng siết chặt sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu dưới danh nghĩa lo ngại “an ninh quốc gia”. Bất đồng giữa hai bên còn thể hiện sang các vấn đề chiến lược như Đài Loan, vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hay cuộc xung đột tại Ukraine….Chính vì vậy, việc EU-Trung Quốc cùng hướng tới mục tiêu: coi chặng đường 50 năm là bàn đạp để thúc đẩy quan hệ song phương sang một tầm cao mới là điều cần thiết.

        Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh trong một ngày chưa thể xua tan được những thách thức lớn mà EU-Trung Quốc đang phải đối mặt. Thứ nhất, việc cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Trung Quốc với mức thâm hụt của EU lên tới hơn 400 tỷ euro năm 2023 buộc nhà lãnh đạo EU phải “thốt lên” rằng mối quan hệ hiện nay là “mất cân bằng và không bền vững”. Thưa hai, hồ sơ Ukraine tiếp tục là điểm chia rẽ lớn nhất trong quan hệ EU – Trung Quốc. Dù Trung Quốc tuyên bố họ giữ vai trò trung lập, nhưng EU cho rằng Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết “không chọn bên” như đã hứa. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra 3 đề xuất nhằm làm “ấm lại” quan hệ với EU- nhưng xem ra những đề xuất này vẫn chưa thực sự giải quyết những thách thức cốt lõi mà cả 2 phía đang đối mặt.

         Rõ ràng, Thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần này không còn là một dịp kỷ niệm đơn thuần, mà còn là thời điểm kiểm nghiệm thực tế: Khi EU cố gắng dung hòa giữa lợi ích kinh tế và các giá trị địa chính trị, thì Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi những tham vọng riêng. Và kết quả là, hai bên dù nỗ lực xích lại gần nhau, nhưng vẫn mắc kẹt trong nhiều khác biệt khiến Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này vẫn khép lại trong cảnh “đồng sàng nhưng dị mộng”./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận