Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 (năm 2025) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Sau 5 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1,5 triệu bức thư dự thi từ các em học sinh trong cả nước. Các địa phương có nhiều bài dự thi chất lượng là Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa... Với chủ đề năm nay, nhiều em học sinh đã hóa thân thành đại dương để nêu lên những vấn đề thế giới đang phải đối mặt, trong đó nổi bật nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Những bức thư được chọn vào chung khảo và được đánh giá cao là những bức thư có sự sáng tạo, có cảm xúc riêng biệt, tạo ấn tượng. Em Phạm Đoàn Minh Khuê, lớp 10C2, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đạt giải Nhất quốc gia Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025 chia sẻ, do mến mộ tài năng điện ảnh của ông James Cameron qua các bộ phim Titanic và Avatar nổi tiếng thế giới, nên em đã nghĩ đến một kịch bản phim về đại dương để gửi đến đạo diễn:“Em nghĩ phim là một phương tiện truyền tải cảm xúc và thông điệp ngắn nhất tới người xem. Nên em nghĩ cần phải lên một kịch bản gửi cho một đạo diễn để ông ấy làm phim để vừa phản ánh thực trạng của đại dương vừa lan tỏa tình yêu đối với đại dương. Qua bức thư thì em muốn truyền tải thông điệp là cần phải nâng cao ý thức bảo vệ đại dương và đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay thì cần phải nâng cao trách nhiệm và ý thức của bản thân trong việc bảo vệ môi trường biển. Thông qua cuộc thi em mong muốn môi trường biển được bảo vệ và mong muốn là được tuyên truyền nhiều hơn về tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường biển”
Theo Ban Tổ chức, chủ đề cuộc thi gắn với mục tiêu “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” trong hệ thống 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Với chủ đề năm nay, các em học sinh được hóa thân thành đại dương để nêu lên những vấn đề mình đang phải đối mặt, trong đó nổi bật nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Vận dụng trí tưởng tượng bay bổng và sự sáng tạo không giới hạn của mình để trò chuyện, tâm sự, nhắc nhở mọi người về vai trò của đại dương cũng như chia sẻ những giải pháp, hành động cụ thể để bảo vệ đại dương, biển và hệ sinh thái biển; thể hiện trách nhiệm của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn thiên nhiên, vì sự phát triển bền vững. Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Chủ đề này không chỉ khơi dậy trí tưởng tượng, khả năng viết văn của học sinh mà còn góp phần nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm đối với môi trường – một trong những vấn đề toàn cầu cấp thiết hiện nay. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng bức thư của em Minh Khuê sẽ tiếp tục đem lại niềm tự hào cho Việt Nam trên đấu trường quốc tế để tiếp nối truyền thống tốt đẹp trước kia. Đây cũng là một điểm sáng tiếp tục góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam từ các thế hệ thanh thiếu niên trong số nhiều hoạt động khác thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế với thế và lực đi lên và vị thế mới của đất nước.
Sau 5 vòng chấm, Ban Giám khảo Quốc gia đã chọn 142 bài vào vòng chung khảo. Kết quả, Ban giám khảo đã trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút Triển vọng; 10 giải Khơi nguồn ý tưởng. Các em đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. Đặc biệt, bài đoạt giải Nhất đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, đại diện Việt Nam tham dự vòng thi quốc tế. Đây không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào của giáo dục Việt Nam khi tiếng nói trẻ em nước ta tiếp tục lan tỏa đến cộng đồng quốc tế../.
Bình luận