Sáng 22/05, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5 năm 2025 cho ý kiến, thông qua đối với 02 dự án luật và 04 Đề nghị xây dựng Luật.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận cho ý kiến 02 dự án luật gồm: dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và 04 đề nghị xây dựng Luật gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; Luật giám định tư pháp (sửa đổi); Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi); Luật Dân số.
Các ý kiến tại phiên họp tập trung thảo luận về quy định hiến mô bộ phận cơ thể phạn nhân; nhiệm vụ quyền hạn của trại giam trong việc nhận tài sản tiền mà phạm nhân, thân nhân tự nguyện nộp tại trại giam để thi hành án, chuyển cơ quan thi hành án dân sự; liên quan đến phạm nhân là người nước ngoài; về chấp hành án của phạm nhân; biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, trách nhiệm cơ quan công an trong phối hợp truy tìm người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn và về chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Y tế và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị các dự án Luật; đề nghị nghiêm túc tiếp thu ý kiến của người dân doanh nghiệp phản ánh và giải trình.
Cho ý kiến về 02 dự án luật gồm: dự án Luật thi hành về án hình sự (sửa đổi); dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và Đề nghị xây dựng Luật giám định tư pháp (sửa đổi), Thủ tướng đồng tình với quy định luật hóa lao động phạm nhân, đây là một biện pháp để phạm nhân cải tạo. Về quy định nộp tiền tại trại giam, Thủ tướng cho rằng phải linh hoạt, có hóa đơn của cấp có thẩm quyền. Đối với quy định phạm nhân nhận quà nên đề xuất lưu ký bằng tiền. Đối với phạm nhân tâm thần phải có chỗ chữa bệnh và giam giữ riêng. Vấn đề giám định tư pháp, Thủ tướng thống nhất với các đề xuất Bộ Công an với những vấn đề có tính chất chuyên ngành, khó thì các cơ quan đang làm tốt thì tiếp tục làm, còn lại xã hội hóa về công tác giám định. Đồng thời cho rằng, giám định tư pháp là một nghề. Vì vậy phải được quy định chặt chẽ, có chế độ chính sách với người làm giám định.
Về đề nghị xây dựng Luật gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thống nhất lấy ngày 31/05 hàng năm phát động phong trào thi đua toàn quốc về tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời phải phân cấp, phân quyền để chống lãng phí. “Cái gì Chính phủ, các bộ, ngành thì không được. Cái gì thuộc phạm vi quản lý, như lãng phí ở phường, xã thì cấp đó phải chịu trách nhiệm và ban hành các chính sách chống lãng phí”, Thủ tướng nêu rõ.
Về đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân là vấn đề đang nóng, cấp bách. Do đó, giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự án Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi); Bộ Nông nghiệp Môi trường đảm bảo sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm; Bộ Tài chính kiểm soát đầu vào; Bộ Công thương quản lý thị trường hàng hóa theo quy định của Bộ Y tế…. đảm bảo vừa chặt chẽ, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, phát triển.
Thủ tướng đề nghị trước mắt nhanh chóng ban hành sửa Nghị định 15 để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay mà nhân dân đang đòi hỏi, quá trình quản lý đang sơ hở, thực tế còn bất cập… nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, diễn ra vào tháng 10/2025 và thông qua trong quy trình 1 kỳ họp.
Với đề nghị xây dụng Luật Dân số, Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế để thúc đẩy dân số phát triển, ngăn chặn già hóa dân số. Cần có chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích nhằm nâng cao thể lực, chiều cao, trí tuệ của người Việt Nam.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trong năm 2025 phải đổi mới căn bản tư duy từ thụ động, tập trung vào quản lý “không quản lý được thì cấm” sang tư duy “chủ động, linh hoạt, để kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp”. Luật cần quy định theo hướng là khung, những cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa. Còn những vấn đề đang biến động như hiện nay, nhất là những vấn đề về kinh tế, phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và diễn biến rất nhanh rất khó lường thì xây dựng nghị định chúng ta xây dựng, hướng dẫn của các bộ, ngành”.
Thủ tướng đề nghị đổi mới xây dựng pháp luật cần tập trung vào triệt để phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và thiết kế công cụ giám sát; kiên quyết cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính không cần thiết; xây dựng pháp luật phải đi trước 1 bước, tăng cường tính dự báo; các quy định của Luật mang tính ổn định và tinh thần là 1 luật sửa nhiều luật để kịp thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời tham khảo lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, ý kiến chuyên gia nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo luật./.
Lại Hoa/VOV1
Bình luận