Ngay sau phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2025. Thủ tướng nhấn mạnh 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp thời gian tới để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, Chính phủ có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”. Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán. Thủ tướng cho biết ngày 7/5 tới đây sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ.
Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng nêu rõ: Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu NSNN 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%. “Đây là điểm sáng, thu ngân sách 4 tháng mà được gần 50% dự toán thu cả năm’, Thủ tướng nêu rõ
Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển. Công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số; điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Kết cấu hạ tầng KTXH được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội
Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước với phương châm “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024”.
Chính phủ cũng đã hoàn thành rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn héc-ta. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt đó là: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp. Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính là hiện nay người dân, doanh nghiệp bức xúc nhất, báo cáo với Quốc hội như vậy”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đặc biệt chỉ rõ phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Quốc hội còn chưa phân cấp triệt để cho Chính phủ. Chính phủ cũng chưa phân cấp triệt để cho các bộ, các ngành và chính quyền địa phương. Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra. Cái này tôi thấy đang còn vướng mắc, các địa phương kêu nhiều. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch Quốc hội là cương quyết phải phân cấp, phân quyền ngay trong xây dựng pháp luật, rất mong các ĐBQH ủng hộ cho. Chính phủ cũng soạn thảo các luật tinh thần là phân cấp triệt để, không làm cụ thể. Trung ương chỉ làm các công việc đúng thẩm quyền của Trung ươn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng thẩm quyền của Chính phủ, đúng thẩm quyền của các bộ, ngành…không làm thay và địa phương không đẩy lên Trung ương.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ đô la Mỹ, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 đô la Mỹ, Thủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chủ động, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Năm ngoái chúng ta tiết kiệm chi 6 tháng cuối năm được 6 nghìn tỷ làm nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân. Năm 2025 tiết kiệm chi 10% rồi thì tiếp tục tiết kiệm chi 5% nữa để tập trung làm đường sắt tốc độ cao Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng”
Thủ tướng cũng nêu rõ, đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhấn mạnh tinh thần cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, Thủ tướng cho rằng “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh.
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Thủ tướng cũng cho biết tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau…. Khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho học sinh.
Trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng hơn bao giờ hết cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra./.
Lại Hoa-VOV1
Bình luận