EU tăng cường các biện pháp bảo vệ ngành thép EU trước tác động của thuế quan
VOV1 - Uỷ ban Châu Âu cho biết sẽ có hàng loạt các biện pháp để giúp các doanh nghiệp ngành thép và nhôm giảm thiểu tác động do mức thuế quan của Mỹ có hiệu lực từ ngày 12/3 vừa qua.

Là nền tảng của các ngành công nghiệp truyền thống và nền tảng kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU), ngành thép đã báo cáo những khoản lỗ khổng lồ. Dữ liệu từ Hiệp hội Thép EU (EU ROFER) cho thấy kim ngạch xuất khẩu thép sang Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi áp dụng thuế quan. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các nhà sản xuất thép EU, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thép vào năm 2024. Ông Axel Eggert, Tổng giám đốc của Hiệp hội Thép EU cho biết:

"Chúng tôi đã mất một triệu tấn. Chúng tôi đang nói đến giá trị khoảng hai tỷ euro (tương đương khoảng 2,26 tỷ đô la Mỹ) mà chúng tôi đã mất. Và tất nhiên điều đó dẫn đến việc giảm năng lực và mất việc làm trong ngành khai thác mỏ của EU ".

Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thép EU đang gây sức ép buộc EU phải có phản ứng quyết liệt. Theo ông Axel Eggert, mức thuế quan này không chỉ làm suy yếu mục tiêu phục hồi sản xuất thép của Mỹ mà còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực không mong muốn.

"Chúng tôi đang mong đợi các biện pháp của Liên minh Châu Âu để hỗ trợ ngành công nghiệp của chúng tôi. Đó cần phải là một phản ứng cứng rắn. Điều này cũng sẽ có tác động rất lớn đến người sử dụng thép của Mỹ vì họ phụ thuộc vào thép nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu. Có một số loại và sản phẩm mà ngành công nghiệp thép của Mỹ không sản xuất. Chi phí cho người sử dụng thép của Mỹ sẽ tăng 25% nếu họ không thể lấy nguồn từ thị trường nội địa”

Nhiều nhà sản xuất thép của EU đã phải đưa ra kế hoạch cắt giảm nhân sự và đóng cửa nhà máy. Cuối năm ngoái, ThysenKrupp Steel công bố cắt giảm 11 nghìn việc làm đến năm 2030, chiếm hơn 40% tổng số nhân viên của hãng.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành thép, cam kết bảo vệ họ tốt hơn trước sự cạnh tranh không lành mạnh do trợ cấp và tình trạng dư thừa công suất toàn cầu gây ra, cũng như các biện pháp thuế quan do Chính phủ của Tổng thống Donald Trump áp đặt. Theo Phó Chủ tịch điều hành EC, Stéphane Séjourné, trong quý 3 năm nay, Ủy ban sẽ công bố các biện pháp bảo vệ mới, có hiệu lực từ năm 2026. Ủy ban Châu Âu đang xem xét sửa đổi các quy tắc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng thép nước ngoài chỉ trải qua một công đoạn chế biến nhỏ tại châu Âu, sau đó được bán dưới danh nghĩa sản phẩm châu Âu.

EC đang xem xét yêu cầu cải cách Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), tiến tới việc đánh thuế nhập khẩu dựa trên “dấu chân carbon” , giúp tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu. Dự kiến vào cuối năm nay, EC sẽ trình dự thảo luật mở rộng danh mục sản phẩm thép và nhôm chịu thuế carbon tại biên giới, đồng thời ngăn chặn các hành vi lách luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Ủy ban châu Âu cũng dự kiến huy động quỹ để hỗ trợ ngành thép nhưng chưa công bố ngân sách cụ thể. Trước mắt, EC cam kết đầu tư 150 triệu euro trong giai đoạn 2026-2027 cho nghiên cứu công nghệ khử carbon.

Châu Anh/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận