Chủ tịch Quốc hội: Giáo dục giữ vai trò trung tâm trong phát triển bền vững của mọi quốc gia
VOV1 - Phát biểu tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yrevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, diáo dục luôn giữ vai trò trung tâm trong sự phát triển bền vững của mọi quốc gia.

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, chiều nay, 4/4, (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn  và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ê-rê-van - trái tim học thuật, ngọn hải đăng tri thức và là niềm tự hào không chỉ của Ác-mê-ni-a mà còn của cả khu vực. 

Giáo dục và đào tạo luôn đóng vai trò là cầu nối bền chặt, là mạch nguồn nuôi dưỡng tình hữu nghị

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Việt Nam và Ác-mê-ni-a, tuy cách xa về địa lý, nhưng luôn có sự đồng cảm và gắn bó bởi lịch sử hào hùng, nền văn hóa lâu đời và ý chí kiên cường vươn lên của hai dân tộc, 2 đất nước đã và đang duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, vững chắc, tôn trọng lẫn nhau, tin cậy chính trị và mong muốn hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, thịnh vượng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong hành trình đó, giáo dục và đào tạo luôn đóng vai trò là cầu nối bền chặt, là mạch nguồn nuôi dưỡng tình hữu nghị, chia sẻ tri thức và mở ra những chân trời hợp tác mới.

Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ê-rê-van hoạt động liên tục lâu đời nhất tại Ác-mê-ni-a, trường không chỉ là nơi khởi nguồn, đặt nền móng cho nhiều cơ sở giáo dục đại học khác mà còn là nơi đã chắp cánh cho rất nhiều nhà lãnh đạo kiệt xuất, các chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà khoa học lỗi lạc của Ác-mê-ni-a. Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm của Ác-mê-ni-a cũng là một cựu sinh viên ưu tú của Khoa Luật thuộc ngôi trường danh giá này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và những thách thức an ninh phi truyền thống, vai trò của giáo dục đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng, đổi mới và hội nhập quốc tế. Giáo dục luôn giữ vai trò trung tâm trong sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Bên cạnh đó, giáo dục đại học cũng đứng trước nhiều thách thức; yêu cầu đặt ra là vừa gìn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế; đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển nghiên cứu gắn với thực tiễn, phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên – đó là những câu hỏi không chỉ với Việt Nam hay Ác-mê-ni-a, mà còn với toàn thế giới.

Việt Nam và Ác-mê-ni-a có truyền thống hiếu học, luôn coi trọng tri thức, trọng đức, trọng tài

Chủ tịch Quốc hội thông tin, Việt Nam luôn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", dành sự quan tâm đặc biệt và nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp trồng người. Hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Việt Nam đã và đang nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.

Nhiều trường đại học lớn của Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh... phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được ghi nhận trong các bảng xếp hạng uy tín của khu vực và thế giới. Các trường đại học Việt Nam đang ngày càng chủ động, tích cực tham gia vào mạng lưới giáo dục toàn cầu, hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các đối tác quốc tế.

Nhìn lại hành trình phát triển giáo dục của hai nước, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hai nước  những nét tương đồng đáng quý. Cả Việt Nam và Ác-mê-ni-a đều là những dân tộc có truyền thống hiếu học, luôn coi trọng tri thức, trọng đức, trọng tài. Hai nước đều đã trải qua những giai đoạn lịch sử đầy thử thách nhưng vẫn luôn giữ vững ý chí, khát vọng vươn lên, coi giáo dục là chìa khóa để mở ra tương lai. Sự tương đồng này chính là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực quan trọng này.

Trong bối cảnh mới, để mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, Chủ tịch Quốc hội  đề nghị, đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu giữa nhà trường và các trường đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học khác. Đây là cách tốt nhất để thế hệ trẻ hai nước có cơ hội trải nghiệm và là cầu nối văn hóa, khoa học bền chặt. Khuyến khích xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học chung, các dự án hợp tác trong những lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh. Ác-mê-ni-a đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, toán học, vật lý... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển và có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, kiểm định chất lượng, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Với những sinh viên đang học tập tại nhà trường, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, họ đang được học tập tại một ngôi trường danh tiếng, đang có trong tay cơ hội vàng để trang bị cho mình những hành trang quý giá nhất đó là: Tri thức, Kỹ năng và Khát vọng.

Chủ tịch Quốc hội mong các sinh viên tận dụng tối đa quãng thời gian quý báu để tiếp thu kiến thức chuyên môn, rèn luyện tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề; mong quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam, về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Bởi, chính các sinh viên sẽ là những sứ giả trẻ tuổi, nhịp cầu quan trọng góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Ác-mê-ni-a ngày càng bền chặt và phát triển trong tương lai.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắn nhủ tới các du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Ác-mê-ni-a nói riêng và các nước khác nói chung - những đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam năng động, ham học hỏi và là những "sứ giả" trẻ tuổi luôn tự hào về truyền thống dân tộc, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung học tập, nghiên cứu  để tiếp thu những tri thức tiên tiến của nhân loại và của đất nước Ác-mê-ni-a tươi đẹp. Đồng thời, là những cầu nối tích cực, giới thiệu những nét đẹp văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Phát biểu trước Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ê-rê-van cho biết, đã có hơn 100 lưu học sinh của Việt Nam học tập tại đây; mong muốn sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Việt Nam - Ác-mê-ni-a sẽ thúc đẩy hợp tác, trao đổi sinh viên giữa các trường đại học hai nước./.

Lê Tuyết VOV

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận